Ngày 14/3/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Chỉ thị nêu rõ, Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là đạo Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả đạo Luật này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành.
Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nội dung và tinh thần các quy định của Luật Tiếp cận thông tin bằng các hình thức, biện pháp phù hợp; phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để kịp thời đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Bố trí đầu mối cung cấp thông tin
Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành Luật như: Phân công, bố trí cơ quan, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc lập, vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê phục vụ cho việc cung cấp thông tin.
Ngoài ra, cần trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử.
Thường xuyên cập nhật và công khai thông tin
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.
Hoàn thành việc lập Danh mục thông tin phải được công khai; đăng tải Danh mục trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi Luật có hiệu lực 30 ngày; thường xuyên cập nhật và công khai thông tin đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục thông tin.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp; kịp thời xem xét, cân nhắc lợi ích của việc cung cấp thông tin nhằm bảo đảm lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng.
Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, Luật Tiếp cận thông tin đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 (ngày 6/4/2016) gồm 5 chương, 37 điều. Một số nội dung chính của Luật như sau:
- Về chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin: Để cụ thể hóa quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013, “Công dân có quyền... tiếp cận thông tin”, Luật quy định chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật còn quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin thông qua người đại diện pháp luật.
- Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin: Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước: từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp đều có trách nhiệm cung cấp thông tin do chính cơ quan mình tạo ra cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
- Về cách thức tiếp cận thông tin: Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
- Về phạm vi thông tin được tiếp cận: Luật quy định về thông tin công dân được tiếp cận; thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.
Ngoài ra, Luật cũng quy định thông tin các cơ quan nhà nước phải công khai, hình thức, thời điểm công khai thông tin; Thông tin được cung cấp theo yêu cầu; Trình tự, thủ tục yêu cầu tiếp cận thông tin; biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Luật cũng quy định các loại thông tin công dân không được tiếp cận gồm thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật (khi thông tin thuộc bí mật Nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này); thông tin nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ.
Những thông tin này được quy định là thông tin mật và chỉ một số ít đối tượng được tiếp cận với tư cách là người thi hành công vụ chứ không phải là tư cách công dân. Việc tiếp cận, sử dụng và quản lý tin mật được quy định trong các văn bản pháp luật khác theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ.
Để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, Luật quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, khuyến khích cơ quan Nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước “Duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu” để thông tin không bị lạc hậu ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân.
Về Luật Tiếp cận thông tin
Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra.
2. Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
3. Tiếp cận thông tin là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
4. Cung cấp thông tin bao gồm việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.
Nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin
1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
2. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.
3. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
4. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
5. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.
6. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. |