Trong kỳ 2 của bài viết về nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí, tác giả Trương Minh Tuấn phân tích rõ xu hướng hư vô về chính trị, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo; sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
5. Xu hướng hư vô về chính trị, thiếu đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận người làm báo
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí trước hết bắt đầu từ người làm báo.
Nếu mỗi người làm báo nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với bạn đọc, ý nghĩa tích cực của báo chí với sự phát triển xã hội và con người,… thì sẽ tự ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Đáng tiếc một bộ phận người làm báo ít quan tâm vấn đề này, khi mà các sự, vụ liên quan hành vi tiêu cực của người làm báo có xu hướng tăng lên? Lạm dụng vai trò báo chí, tự cấp tư cách “đứng trên luật pháp”, có người làm báo lấy nghề nghiệp làm công cụ trục lợi như: gây sức ép lên lãnh đạo đơn vị sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp để tống tiền, ký hợp đồng quảng cáo; hoặc chạy theo tin tức, sự kiện giật gân mà bất chấp sự thật, bất chấp pháp luật, bất chấp tính nhân văn của báo chí....
Phê phán cái xấu, chỉ rõ bản chất cái xấu là cần thiết, song một số người làm báo dường như có xu hướng khoét sâu, phóng đại hiện tượng tiêu cực; trong khi các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí tập trung công kích nhằm làm mất uy tín các cơ quan chức năng (công an, tòa án), một số người làm báo cũng lại hùa theo soi mói, công kích, thậm chí bịa đặt, “giăng bẫy” người thi hành công vụ....
Hư vô về chính trị, thiếu đạo đức nghề nghiệp, một số nhà báo đã vô tình (hay cố tình?) tác động xấu đến xã hội, làm người đọc hoang mang, suy giảm niềm tin vào chính quyền….
6. Sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí
Những năm gần đây, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản, tự coi “vô can” trước sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền đang khá phổ biến.
Không ít cơ quan chủ quản (nhất là một số tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp) buông lỏng vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý theo quy định đối với cơ quan báo chí thuộc quyền; có cơ quan chủ quản sau khi xin giấy phép thành lập cơ quan báo chí là “khoán trắng” cho cơ quan báo chí toàn quyền quyết định hoạt động; dẫn tới tình trạng có cơ quan báo chí không chịu sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản.
Một số cơ quan chủ quản thiếu quan tâm, hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn, thậm chí yêu cầu cơ quan báo chí thuộc quyền đóng góp kinh phí hoạt động, lệ thuộc vào kinh phí của cơ quan báo chí. Một số trường hợp, việc xử lý sai phạm, vụ việc tiêu cực trong cơ quan báo chí không nghiêm khắc, hoặc không giải quyết dứt điểm, thiếu kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che người đứng đầu cơ quan báo chí, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tác động tiêu cực tới tư tưởng cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Có người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín, nhưng cơ quan chủ quản không có phương án thay thế, khiến nội bộ cơ quan mất đoàn kết kéo dài. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và phóng viên, biên tập viên của cơ quan thuộc quyền....
Trên đây là một số khái quát bước đầu để góp phần nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí. Trên thực tế, những sự kiện, hiện tượng liên quan diễn ra rất phức tạp, đan xen nhau, có thể là vô tình và có thể là cố tình, nên khó nhận diện, khó định tính, định lượng… Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh các giải pháp cơ bản để đối phó nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong xã hội nói chung, cần chú ý các giải pháp để lành mạnh hóa hoạt động báo chí:
1. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí cần đi đôi với tăng cường kỷ luật Đảng đối với đảng viên hoạt động trong lĩnh vực báo chí:
- Phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, không hề có mâu thuẫn giữa tự do ngôn luận, tự do báo chí với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Các vấn đề này được bảo đảm bằng Hiến pháp và hệ thống luật pháp của Nhà nước.
- Trên cơ sở Luật Báo chí (năm 2016), cần rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan hoạt động báo chí để bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo hướng: luật pháp bảo vệ việc hành nghề của người làm báo với tư cách là nghề nghiệp xã hội đặc thù, nhưng luật pháp không tạo ra đặc quyền cho người làm báo, người làm báo bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác.
- Đảng viên hoạt động trên lĩnh vực báo chí phải chấp hành Điều lệ Đảng, chấp hành các Nghị quyết của Đảng, chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên theo hệ thống tổ chức của Đảng. Cần xác định việc chỉ đạo, định hướng của cơ quan, tổ chức Đảng cấp trên với tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên tại các cơ quan báo chí hoàn toàn không mâu thuẫn với quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, không để đảng viên có chức vụ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, kể cả người có chức vụ cao nhưng không được phân công lãnh đạo, quản lý báo chí và truyền thông, sử dụng chức vụ của mình can thiệp hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động báo chí. Bởi chính hành động can thiệp, gây ảnh hưởng rất vô nguyên tắc này là vi phạm quyền tự do báo chí, vi phạm nguyên tắc Đảng.
- Rà soát lại chất lượng đảng viên hoạt động trong các cơ quan báo chí, kiên quyết loại bỏ những phần tử có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ra khỏi chức vụ lãnh đạo các cơ quan báo chí.
2. Rà soát lại toàn bộ danh mục các lĩnh vực thuộc bí mật Đảng và Nhà nước.
Danh mục này nhất thiết phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng luật. Ngoài danh mục này, mọi vấn đề khác của quốc gia cần được bảo đảm để người làm báo và người dân tiếp cận dễ dàng.
Các thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được báo chí điều tra phát hiện, nếu không thuộc danh mục “Mật”, không ai được quyền ngăn cản đưa lên báo chí. Cơ quan báo chí và người làm báo chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố các thông tin đó, nếu xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy mức độ sai phạm đều phải bị xử lý và bồi thường đúng pháp luật.
Làm nghiêm túc việc này sẽ trực tiếp chống lại, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí vẫn xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam bưng bít thông tin, xâm phạm quyền tự do báo chí.
3. Đổi mới việc đào tạo nghề báo trong nước, từ giáo trình, đội ngũ giảng viên đến phương pháp giảng dạy, bảo đảm cho người làm báo có đủ tri thức chuyên ngành và trình độ tác nghiệp báo chí hiện đại.
Người làm báo trước hết phải có trình độ chuyên môn (của một hoặc một số lĩnh vực họ tiếp cận), có bản lĩnh và trình độ chính trị; vì nếu chỉ có trình độ chuyên môn thì không thể có tác phẩm báo chí có giá trị. Do đó, cần khuyến khích tuyển sinh vào đại học báo chí những người đã có một bằng đại học trên lĩnh vực khác. Trừ giảng viên các môn học khác, giảng viên về nghiệp vụ báo chí tại trường đại học báo chí hoặc khoa báo chí thuộc trường đại học, nhất thiết phải là người đã thông qua hoạt động báo chí và đã có những tác phẩm báo chí có giá trị.
4. Cơ quan chủ quản báo chí cần rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí, từ đó khẩn trương xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp lại cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí thuộc cơ quan, đơn vị, ngành theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả, để báo chí thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Cần kiên quyết xử lý, thu gọn báo, tạp chí, ấn phẩm phụ, chương trình giải trí, trang thông tin điện tử,... hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sai phạm kéo dài...
5. Điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Báo chí (năm 2016) khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ: “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, điều này cho thấy, đạo đức nghề nghiệp người làm báo là vấn đề luật định, không phân biệt người có Thẻ Nhà báo hay không. Do đó, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, hướng dẫn hội viên thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức cần thiết, với trường hợp cụ thể, vi phạm quy định này phải được xử lý trên cơ sở pháp luật.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản với hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền; coi trọng xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí vững mạnh về mọi mặt, đề cao vai trò, trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và định hướng hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, và chức năng, nhiệm vụ của người làm báo; chú trọng quy định tại Điều 15 Luật Báo chí: “Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí”, “Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí… liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc”.