Đến dự, phía Ban Cơ yếu Chính phủ có các đồng chí: Thiếu tướng, Trưởng ban Đặng Vũ Sơn; các đồng chí Phó Trưởng ban, Thiếu tướng Đào Quốc Trị, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Ban qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ban và các Hệ Cơ yếu. Đến dự còn có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành và các Nhà trường, Học viện trong cả nước.
Phía Học viện Kỹ thuật Mật mã có Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện; các đ/c Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Học viện, đại diện các Khoa, phòng chức năng, các cán bộ, thầy, cô giáo cùng đại diện các học viên, sinh viên.
Thay mặt Đảng ủy - Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Thiếu Tướng Nguyễn Nam Hải đã đọc diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Học viện nhằm ôn lại lịch sử phát triển và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, với hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện đã đạt được các thành tựu nhất định. Tính đến nay, đã có hàng ngàn kỹ sư, hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ mật mã có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Ngành Cơ yếu giao phó. Nhiều cán bộ chủ chốt của ngành Cơ yếu Việt Nam đã trưởng thành từ mái trường này.
Bên cạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên cho ngành Cơ yếu Việt Nam, Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ATTT cho xã hội trước yêu cầu phát triển mới. Học viện vinh dự là cơ sở đầu tiên trong cả nước được phép đào tạo kỹ sư An toàn thông tin, đến năm 2013 Học viện cũng là cơ sở đầu tiên được phép đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành này. Học viện luôn là ngọn cờ đầu và ngày càng khẳng định vị thế tiên phong trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành ATTT. Học viện còn đào tạo cán bộ cho nước bạn. Bên cạnh những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo, Học viện cũng rất chú trọng nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học.
Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện KTMM đọc diễn văn tại buổi Lễ
Trong thời gian tới, Học viện quyết tâm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt chú trọng xây dựng tiềm lực và vận hành đào tạo. Phát triển Học viện theo mô hình đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ với hai chuyên ngành chính là Kỹ thuật Mật mã và An toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, mở rộng đào tạo các chuyên ngành An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông…, thực hiện đào tạo từ đơn ngành đến đa ngành, đáp ứng nguồn nhân lực không chỉ cho ngành Cơ yếu, mà cho cả khu vực kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện giúp đỡ của đồng chí Bộ trưởng Bộ quốc phòng, các đồng chí lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang… đã quan tâm giúp đỡ Học viện trong suốt 40 năm qua.
Thừa lệnh của Chủ tịch nước, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Học viện Kỹ thuật Mật mã. Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, đã nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, những tiến bộ của toàn thể cán bộ, giảng viên học viên, sinh viên Học viện đã đạt được trong 40 năm qua. Những thành tích này đã góp phần xây dựng Ngành Cơ yếu tiến lên chính quy, hiện đại, phục vụ công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.
Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Học viện Kỹ thuật Mật mã
Đồng chí nhấn mạnh, ngành Cơ yếu Việt Nam đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Ban Cơ yếu Chính phủ lần thứ IX. Trong đó nhấn mạnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt ba khâu đột phá: Một là, Xây dựng và nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý và đội ngũ chuyên gia trình độ cao có nhiều khả năng nghiên cứu làm chủ công nghệ; Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mật mã và phối hợp chặt chẽ các giải pháp về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu các sản phẩm kỹ thuật mật mã đáp ứng yêu câu nhiệm vụ trong mọi tình huống; Ba là, nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm mật mã của ngành.
Để thực hiện tốt các khâu trên, trong thời gian tới, Học viện KTMM cần tiếp tục tập trung quán triệt sâu sắc Chỉ thị 41- CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 11/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Cơ yếu và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Ban Cơ yếu Chính phủ lần thứ IX; Đồng thời phải tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực, kết hợp chặt chẽ giữa công tác đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mật mã, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, góp phần cùng toàn ngành Cơ yếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí tin tưởng rằng, với truyền thống Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo, với bề dày thành tích của Học viện, nhất định cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện sẽ phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước đã giành cho Học viện. Đồng chí Đặng Vũ Sơn cũng đề nghị các Cơ quan, đơn vị thuộc Ban tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp Học viện KTMM hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm chụp ảnh lưu niệm
Thay mặt, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện KTMM, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải đã chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan. Đồng chí Nguyễn Nam Hải cũng nhấn mạnh, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Học viện sẽ làm hết sức lực và trách nhiệm, để hoàn thành tốt mọi công việc được giao, đưa Học viện thực sự trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho toàn Ngành Cơ yếu và là đơn vị uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế - xã hội.
Lịch sử phát triển Học viện Kỹ thuật Mật mã
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho Ngành Cơ yếu, ngày 15/4/1976, trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương, tiền thân của Học viện KTMM được thành lập tại xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là dấu mốc quan trọng và được chọn làm Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật mật mã. Thực hiện Chỉ thị 85-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 05/6/1985, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chuyển trường Cán bộ Cơ yếu Trung ương thành trường Đại học Kỹ thuật mật mã với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ Cơ yếu theo hướng cơ bản, toàn diện có hệ thống và thống nhất đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ mật mã, góp phần xây dựng Ngành Cơ yếu Việt Nam tiến lên chính quy và từng bước hiện đại. Tháng 10/1986, Trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo bậc đại học chuyên ngành Kỹ thuật Mật mã. Năm 2002 Học viện mở đào tạo trình độ thạc sĩ và năm 2013 Học viện được phép mở đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành KTMM. Trước yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin cho xã hội, Học viện đã tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đào tạo. Năm 2004, Học viện vinh dự là cơ sở đầu tiên trong cả nước được phép đào tạo kỹ sư An toàn thông tin, đến năm 2013 Học viện là cơ sở được phép đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ATTT. |