Sau khi 11,5 triệu tài liệu mật của công ty luật Panama Mossack Fonseca bị rò rỉ - được giới truyền thông đặt tên vụ rò rỉ Tài liệu Panama - đã có một số chính khách “ngã ngựa” và hàng loạt quốc gia tiến hành điều tra về các hành vi trốn thuế, rửa tiền liên quan tới các tài liệu này.
Cơn địa chấn
Ngày 3/4 vừa qua, Liên đoàn Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố bộ tài liệu đồ sộ, lên đến 11,5 triệu văn bản về thuế từ năm 1977 - 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca, liên quan đến nhiều nhân vật có tên tuổi trong giới lãnh đạo, doanh nhân và làng giải trí thế giới. Tài liệu Panama nhắc đến ít nhất 12 nguyên thủ quốc gia,128 chính khách và quan chức cấp cao, 29 trong số 500 người giàu nhất thế giới.
Tài liệu Panama còn nhắc tới Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Quốc vương Ảrập Xêút Salman, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif… Mặc dù không trực tiếp nêu tên Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng Tài liệu Panama cho biết, người thân của hai nhà lãnh đạo này sở hữu các công ty và quỹ đầu tư ở nước ngoài, nhằm trốn thuế.
Biếm họa của Emad Hajjaj (Nguồn: Calge Cartoons)
Những nạn nhân đầu tiên
Ngày 5/4, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức, do chịu sức ép lớn sau vụ rò rỉ hàng triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca, có trụ sở ở Panama, chuyên tạo ra các công ty mang vỏ bọc nước ngoài nhằm giúp khách hàng trốn thuế. Tài liệu Panama tiết lộ việc ông Gunnlaugsson có liên hệ với một công ty ở nước ngoài, bị tình nghi nắm giữ cổ phần của những ngân hành bị phá sản của Iceland trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thông tin này lập tức làm nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Reykjavik. Những người biểu tình đòi Thủ tướng từ chức, cải tổ Chính phủ, đồng thời kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Thông báo trên truyền hình quốc gia RUV, Phó Chủ tịch đảng Tiến bộ cầm quyền ở Iceland Sigurdur Ingi Johannsson cho biết, sẽ lên đảm nhiệm chức Thủ tướng thay ông Gunnlaugsson, song ông Gunnlaugsson sẽ vẫn giữ vị trí Chủ tịch đảng cầm quyền. Kể từ khi Tài liệu Panama bị rò rỉ và phát tán rộng rãi, nhiều nhân vật cấp cao trên chính trường Iceland đã tiến hành các cuộc họp khẩn cấp. Chủ tịch đảng Độc lập của Iceland, Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson cho biết, hiện đang thảo luận với ông Johannsson về các bước đi tiếp theo về hợp tác giữa hai đảng Độc lập và đảng Tiến bộ trong Chính phủ liên minh trung hữu.
Trước Thủ tướng Iceland, Chủ tịch Transparency Chile, chi nhánh của tập đoàn chống tham nhũng toàn cầu ở Chile, Gonzalo Delaveau Swett đã từ chức ngày 4/4, do bị Tài liệu Panama tố cáo việc ông có liên hệ với ít nhất 5 công ty ở nước ngoài. Tuyên bố từ chức được ông Delaveau đưa ra chỉ vài giờ sau khi cơ quan thuế của Chile thông báo sẽ điều tra những công dân Chile bị nêu tên trong Tài liệu Panama. Sau cú ngã ngựa của hai nhân vật này, dư luận đang nín thở chờ xem ai sẽ là nạn nhân tiếp theo trong vụ rò rỉ Tài liệu Panama.
Những bí mật được phơi bày
Ngay sau vụ rò rỉ Tài liệu Panama, hàng loạt quốc gia trong đó có Pháp, Đức, Australia, Áo, Thụy Điển, Hà Lan… đã mở các cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền. Một nguồn tin tư pháp tại Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha cho biết, đã mở một cuộc điều tra rửa tiền liên quan đến công ty Mossack Fonseca, sau khi các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ thông tin thuế của cầu thủ bóng đá nổi tiếng Lionel Messi và đạo diễn phim người Tây Ban Nha từng đoạt giải Oscar Pedro Almodovar, cùng một số nhân vật khác ở nước này. Australia và New Zealand cũng mở cuộc điều tra đối với những công dân có tên trong danh sách khách hàng giàu có của công ty Mossack Fonseca. Mặc dù chưa có chính khách nào của Mỹ bị nêu tên trong Tài liệu Panama, nhưng Mỹ cho biết sẽ xem xét vụ việc. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, vụ rò rỉ Tài liệu Panama là tin tốt lành vì sẽ giúp Paris tăng doanh thu thuế. Trong khi đó, Trung Quốc lại có phản ứng trái ngược với những nước khác, khi lập tức đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về vụ rò rỉ Tài liệu Panama gây chấn động dư luận và chính trường thế giới.
Mặc dù những thông tin được tiết lộ từ vụ rò rỉ Tài liệu Panama chưa thể được xem là bằng chứng tội phạm, song vụ rò rỉ được ví với cơn địa chấn chính trị lịch sử, với 2,6 terabyte dữ liệu tố cáo hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền của nhiều lãnh đạo và nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới. Tài liệu Panama có khối lượng nhiều gấp 1.500 lần số tài liệu mật do Wikileaks rò rỉ và phát tán. Dư chấn của vụ rò rỉ này sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới, khi các cuộc điều tra được tiến hành liên quan tới vụ rò rỉ Tài liệu Panama sẽ làm sáng tỏ những vùng xám trong hoạt động trốn thuế, rửa tiền trên thế giới mà các cuộc chiến chống tham nhũng chưa chạm tới. Vì vậy, vụ rò rỉ Tài liệu Panama được xem là khởi đầu của kỷ nguyên minh bạch, nơi không có bí mật nào còn có thể được che giấu.