Ngày nay, tầm quan trọng của không gian mạng có thể sánh ngang với những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống như điện, nước, xăng dầu, thực phẩm... Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy không gian mạng là môi trường sống mới, nhưng không an toàn. Các cuộc tấn công mạng, vi phạm dữ liệu với quy mô lớn liên tiếp diễn ra nhằm vào hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng quan trọng của các quốc gia, tập đoàn kinh tế để đánh cắp dữ liệu hoặc làm ảnh hưởng tới chính trị, tê liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thường xuyên, tinh vi và phức tạp.
Không gian mạng đồng thời là môi trường lý tưởng để kẻ xấu lợi dụng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế - xã hội, hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Mức độ phức tạp của các mối đe dọa trên không gian mạng ngày càng tăng lên do xu thế áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, điện toán đám mây, IoT,… và từ sự hợp tác chiến thuật chặt chẽ hơn giữa các nhóm tin tặc và tổ chức chính trị.
Các cuộc tấn công mạng gây sự cố lớn gần đây như vụ Solar Winds ảnh hưởng đến 16.000 hệ thống thông tin trên toàn thế giới, nạn nhân bao gồm cả các cơ quan quan trọng như Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tài chính của Hoa Kỳ. Vụ tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) vào công ty đường ống nhiên liệu lớn nhất Hoa Kỳ - Colonial Pipeline - làm ngưng trệ hoạt động của đường cung cấp nhiên liệu cho hơn 50 triệu khách hàng buộc Tổng thống quốc gia này phải ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ không gian mạng.
Có thể thấy, không gian mạng mang cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin (ATTT) mạng. Một quốc gia sẽ không an toàn nếu không gian mạng của quốc gia đó không an toàn. Người sử dụng không gian mạng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, mối đe dọa sẽ dần dẫn đến tình trạng lo sợ và mất niềm tin đối với không gian mạng.
Trong cuộc sống thực, niềm tin được thiết lập chủ yếu qua 2 phương thức: (1) Xác nhận thông tin từ cơ quan có thẩm quyền hoặc (2) Qua các giác quan của con người. Trong trường hợp thứ 2, chúng ta dựa vào các giác quan, trí nhớ và lý trí của mình để thiết lập niềm tin với người khác. Nhưng, trong cuộc sống số trên không gian mạng, chúng ta bị lấy đi những công cụ để thiết lập niềm tin đó. Vì vậy, cần phải thiết lập phương thức khác để tạo lập niềm tin trên không gian mạng.
Niềm tin số có thể hiểu là mức độ tin cậy vào con người, quy trình và công nghệ để xây dựng một thế giới số an toàn. Niềm tin số được tạo dựng bằng cách cung cấp môi trường mạng an toàn, riêng tư, bảo mật và đáng tin cậy. Công nghệ càng phát triển, việc xây dựng niềm tin càng trở nên khó khăn hơn. Khi được triển khai cẩn thận, liên tục và lưu ý đến trải nghiệm người dùng, niềm tin số sẽ mang lại sự tương tác tốt hơn cho người sử dụng, năng suất cao hơn cho tổ chức và đặc biệt là nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng doanh thu đối với các doanh nghiệp (DN).
Matt Warman MP, nguyên Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, Cơ quan Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh, cũng đã khẳng định “Niềm tin số sẽ giúp cho người dùng trải nghiệm tốt hơn trong thế giới số, tăng cường bảo mật và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Chính vì vậy, quốc gia này xây dựng và triển khai Khung tin cậy danh tính số (Digital Identity Trust Framework), cho phép người dùng sử dụng và tái sử dụng danh tính số của họ. Khung này cũng cho phép người dùng chia sẻ các thuộc tính của mình với những người và tổ chức khác dễ dàng hơn, đảm bảo tính chính xác, tin cậy và an toàn.
Khi CĐS diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, niềm tin số trở thành một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua chiến lược an toàn không gian mạng hoặc hành động cụ thể của mỗi quốc gia.
Năm 2020, Malaysia ban hành Chiến lược An toàn không gian mạng quốc gia, thiết kế để đem đến sự tin tưởng cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, phục vụ quá trình CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, công nghiệp 4.0. Trong đó, tầm nhìn của Chiến lược được xác định là “Không gian Malaysia được đảm bảo, tin cậy và kiên cường, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và hạnh phúc của công dân”.
Tại Australia, Chính phủ cũng tập trung xây dựng niềm tin trên không gian mạng bằng cách hỗ trợ khả năng phục hồi trên không gian mạng cho các DN và bảo vệ công dân Australia trên không gian mạng. ATTT mạng được xem là trọng tâm, một trụ cột quan trọng trong việc đảm bảo một nền kinh tế kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy, mang lại niềm tin cho tất cả những người tham gia, cho phép các DN phát triển và thịnh vượng. Trong đó, xác định tầm nhìn về “một thế giới trực tuyến an toàn hơn cho người Australia, các DN và các dịch vụ thiết yếu mà Australia phụ thuộc vào”.
New Zealand hiện đang dự thảo Khung danh tính số. Theo đó, quốc gia này định nghĩa Khung danh tính số là tập hợp các quy định mà sẽ đặt ra các quy tắc cho việc cung cấp các dịch vụ định danh số. Khung này sẽ giải quyết lỗ hổng trong các quy định và hỗ trợ phát triển các dịch vụ định danh số đáng tin cậy, lấy con người làm trung tâm.
Những năm gần đây, Việt Nam đã có bước chạy đà hoàn hảo để CĐS quốc gia và giờ là lúc cần tăng tốc để về đích thành công. Khi CĐS diễn ra nhanh và rộng khắp, niềm tin chính là nền tảng và điều kiện bắt buộc để CĐS thành công, lâu dài và bền vững. Niềm tin số có thể coi là trái tim của nền Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu khai thác, phục vụ tối ưu cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà vẫn bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng, niềm tin số trên không gian mạng trở thành một trong những vấn đề quan trọng.
Nếu trong ATTT, nhận thức của con người là yếu then chốt khi có tới trên 90% các sự cố ATTT bắt nguồn từ lỗi của con người, thì trong CĐS, “niềm tin số” chính là yếu tố quyết định dẫn tới thành công. CĐS muốn thành thì mỗi cá nhân cần có được có kỹ năng số, ATTT và niềm tin số để có thể trở thành một “công dân số”. Niềm tin về không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Niềm tin số để các cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng an tâm, tự tin dịch chuyển, tham gia vào không gian số.
Tạo lập “niềm tin số” nhìn từ một khía cạnh khác cũng có thể được hiểu chính là nâng cao “sức đề kháng” của người dân trên không gian mạng. Trong CĐS quốc gia, đây có thể coi là một trong những liều “vắc-xin” phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức, kỹ năng ATTT cho người dân. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp mỗi cá nhân đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, tốt - xấu, từ đó, tạo nên “sức đề kháng”, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch”, tự bảo đảm ATTT trên không gian mạng.
Để tạo lập niềm tin số trên không gian mạng phục vụ quá trình CĐS quốc gia, Việt Nam cần xây dựng một không gian mạng an toàn, lành lạnh, rộng khắp trên tinh thần “Không gian mạng an toàn cho tất cả - Cybersecurity for ALL”.
Báo cáo “Digital in the time of Covid” mới đây của Đại học Tufts, Hoa Kỳ hợp tác cùng Mastercard, nghiên cứu hiện trạng niềm tin trên 42 quốc gia, vùng lãnh thổ (sử dụng 198 chỉ số). Nhóm nghiên cứu xác định niềm tin là bước nhảy vọt của sự tự tin, tin tưởng để người dùng thực hiện tương tác, giao dịch và tiêu dùng trực tuyến trên không gian mạng.
Báo cáo nghiên cứu niềm tin theo bốn trụ cột là: “Môi trường” và “Kinh nghiệm” do người cung cấp bảo đảm; và “Thái độ” và “Hành vi” của người sử dụng. Bốn yếu tố này bao gồm các trục chính xoay quanh niềm tin số.
Theo báo cáo, Việt Nam xếp hạng các trụ cột “Môi trường”, “Kinh nghiệm”, “Hành vi” lần lượt là 36, 30, 17. Riêng trụ cột “Thái độ”, Việt Nam xếp hạng thứ 03 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.
Trụ cột “Thái độ” đánh giá mức độ tin tưởng của người dùng về môi trường số, đối với sự tin tưởng vào sự chỉ đạo, định hướng và bảo vệ dữ liệu của Chính phủ, các DN công nghệ lớn. Có thể thấy, việc được xếp hạng rất cao thể hiện người dân Việt Nam rất tin tưởng vào định hướng, chính sách và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các phương tiện truyền thông chính thống về CĐS và môi trường số; và phương thức nắm bắt thông tin của người dân chủ yếu là qua không gian mạng.
Nhìn từ khía cạnh khác, ưu thế này cũng phần nào trở thành một bất lợi của Việt Nam. Bởi do niềm tin lớn nhưng hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng nên người dân dễ bị tấn công mạng, mất ATTT, bị các tổ chức, cá nhân xấu lôi kéo, kích động dưới hình thức thông tin tiêu cực, tin giả trên không gian mạng.
Để tạo lập và duy trì niềm tin số trên không gian mạng, Việt Nam cần chú trọng một số giải pháp như sau:
(1) Hoàn thiện hành lang pháp lý về không gian mạng. Trong đó, bao gồm các quy định về chế tài xử lý vi phạm, những vi phạm trên không gian mạng cần phải được xử lý tương tự như trong đời sống thực.
(2) Chú trọng bảo đảm an toàn cho người dân trên không gian mạng. Mỗi người dân cần có phần mềm bảo vệ cơ bản và có kỹ năng, kiến thức cơ bản về ATTT để tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa.
(3) Đẩy mạnh phát triển các nền tảng số an toàn, lành mạnh, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTT cho các nền tảng số như tài khoản, mật khẩu, lịch sử giao dịch của người sử dụng nền tảng; công khai biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân; tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTT.
(4) Thực hiện công khai mức độ ATTT của các dịch vụ hạ tầng số. Đây sẽ là cơ sở để các tổ chức, cá nhân ưu tiên lựa chọn sử dụng dịch vụ.
(5) Đẩy mạnh thực thi sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự trên không gian mạng.
(6) Triển khai đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng cho các website, các dịch vụ nền tảng số trên không gian mạng để người sử dụng an tâm hơn khi truy cập và sử dụng dịch vụ trên không gian mạng.
(7) Triển khai giải pháp cho phép xác định danh tính số của tổ chức, cá nhân để tạo sự tin tưởng lẫn nhau và xử lý vi phạm.
(8) Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Khi quá trình CĐS quốc gia đã trở thành xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan, bắt buộc của sự phát triển tại Việt Nam. Niềm tin số của mỗi cơ quan, tổ chức, người dân sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn, trở thành đôi cánh để CĐS vươn xa đưa Việt Nam vượt lên, thành một quốc gia số thịnh vượng. Bối cảnh hiện nay chính là thời cơ lịch sử hiếm có mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ để phát triển. Chúng ta muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia thì phải tận dụng được cơ hội mà không gian mạng mang lại. Và niềm tin số trên không gian mạng là vấn đề mà chúng ta phải đặc biệt quan tâm, ngay từ bây giờ và liên tục sau này.
Theo ictvietnam
09:00 | 31/01/2022
16:00 | 08/04/2022
11:00 | 21/01/2022
17:00 | 08/12/2021
18:00 | 16/08/2022
17:00 | 27/09/2024
Sáng 25/9, Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang để kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đồng chí Hoàng Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin làm trưởng đoàn.
10:00 | 28/08/2024
Kết quả đánh giá 63 cổng dịch vụ công năm 2024 cho thấy, các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến so với kết quả rà soát năm 2023, tuy nhiên cũng cần sự đầu tư, cải thiện về nhiều mặt để tăng mức độ thuận tiện, thân thiện, tính tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của mọi người dùng.
10:00 | 23/08/2024
Tỷ lệ người trưởng thành Việt Nam sử dụng chữ ký số đã tăng trưởng ấn tượng hơn 4 lần trong giai đoạn 2022 - 2024, đạt 13,5%. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cách xa mục tiêu 50% đề ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số, cho thấy còn nhiều việc phải làm để phổ cập công cụ quan trọng này.
17:00 | 19/07/2024
Ngày 12/7, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Nghị định số 68/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ đến toàn thể cán bộ, nhân viên đang công tác tại cơ quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật có ngày càng nhiều những cuộc tấn công vào phần cứng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. So với các loại tấn công khác, tấn công qua kênh kề đang được nghiên cứu do khả năng khôi phục lại khóa bí mật trong khi hệ thống vẫn hoạt động bình thường mà không hề làm thay đổi phần cứng. Bài báo này sẽ trình bày một cách sơ lược về những kết quả cuộc tấn công kênh kề lên mã hóa RSA cài đặt trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android tại Viện Khoa học - Công nghệ mật mã. Nhóm tác giả đã tấn công khôi phục được một phần khóa bí mật của mã hóa RSA cài đặt trên điện thoại thông minh và chứng minh khả năng rò rỉ thông tin qua kênh kề.
14:00 | 11/09/2024
Chiều 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID trên toàn quốc. Hội nghị được kết nối trực tuyến (4 cấp) từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cấp huyện, cấp xã.
15:00 | 03/10/2024