Sau chặng đường 10 năm hình thành, phát triển, hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Ban Cơ yếu Chính phủ đã có những bước phát triển vững chắc và đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Công nghệ thông tin (CNTT) được coi là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc, là động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT thì tình hình mất an toàn, an ninh thông tin diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến việc ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Việc phát triển CNTT gắn liền với đảm bảo xác thực, an toàn, bảo mật thông tin là nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng và Nhà nước xác định về quan điểm, chủ trương, chính sách. Triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đảm bảo các sản phẩm phục vụ xác thực, bảo mật an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp của các cơ quan Đảng và Nhà nước là vấn đề thực sự cấp bách.
Thực hiện Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, từ năm 2007, Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ được Ban Cơ yếu Chính phủ thành lập, có chức năng bảo đảm cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ). Năm 2014, trước yêu cầu quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong tình hình mới, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin được thành lập (tháng 08/2014 trên cơ sở phát triển Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ) theo Nghị định 09/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ. Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin có chức năng tham mưu, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tổ chức, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tổ chức thực hiện cung cấp chứng thực chữ ký số, bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị theo quy định của pháp luật.
Sau chặng đường 10 năm hình thành, phát triển, hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Ban Cơ yếu Chính phủ đã có những bước phát triển vững chắc và đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Thông tư (Thông tư 05/2010/TT-BNV và Thông tư 08/2016/ TT-BQP) và các văn bản quản lý khác. Các văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong việc triển khai, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Theo đó, Hoạt động cung cấp, quản lý chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức thực hiện thông qua mô hình bốn cấp, bao gồm: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng (Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin), các Cơ quan tiếp nhận yêu cầu (Cục Cơ yếu các Bộ, ngành), Cơ quan quản lý thuê bao và thuê bao trực tiếp sử dụng.
Mô hình hoạt động này đã dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả trong thực tế, với hàng trăm cơ quan quản lý thuê bao và hàng chục nghìn chứng thư số được cung cấp, triển khai đáp ứng mọi nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số được tiến hành thường xuyên theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3949/QĐ-BQP ngày 18/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Định kỳ quý III hàng năm, đoàn công tác liên ngành giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp. Đến nay, đã tổ chức kiểm tra đánh giá tại 29 đầu mối (gồm 09 cơ quan Bộ, ngành Trung ương và 20 địa phương). Qua công tác kiểm tra, đánh giá đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức sử dụng chữ ký số
Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật luôn được chú trọng thực hiện. Năm 2010, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 02 cuộc hội thảo quốc gia về chứng thực điện tử; năm 2012, Ban đã tổ chức 01 cuộc hội thảo trong ngành Cơ yếu và chỉ đạo Cục Cơ yếu các Bộ, ngành và tham gia hàng chục lượt hội thảo, hội nghị do các Bộ, ngành và địa phương tổ chức. Ban đã chỉ đạo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin tư vấn triển khai cho nhiều cơ quan, đơn vị qua các kênh thông tin (điện thoại, email, fax...); khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho gần 800 thiết bị. Tổ chức huấn luyện và tham gia đào tạo, tập huấn cho trên 100 lớp trong phạm vi cả nước.
Nhờ công tác tuyên truyền mà nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số của lãnh đạo, cán bộ, công chức nhà nước các cấp có chuyển biến rõ rệt. Việc ứng dụng và triển khai chữ ký số đã tạo được sự đồng thuận cả về nhận thức và hành động. Các cơ quan nhà nước đã chấp hành nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các văn bản Nhà nước liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Kết quả công tác kiểm tra đánh giá cho thấy, 100% các cơ quan nhà nước đã thể chế hóa việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy định, nhằm tạo động lực thúc đẩy triển khai chữ ký số trong quy trình xử lý công việc qua mạng và áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử trao đổi nội bộ, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước.
Triển khai cung cấp chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Hoạt động bảo đảm cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số có nhiều tiến bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng gia tăng mạnh qua từng giai đoạn. Đã tổ chức sản xuất, bảo đảm cung cấp chứng thư số tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam) đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu về cung cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của cơ quan nhà nước các cấp, với gần 70.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.
Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 3 năm (2007-2009) số lượng chứng thư số cung cấp chỉ gần 2.000, nhưng 3 năm sau đó (2010-2012) đã tăng gấp 5 lần; đặc biệt 4 năm sau (2013-2016) kể từ khi có Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã tăng gấp 6 lần so với cả 2 giai đoạn trước đó.
Chứng thư số, phần mềm, giải pháp và dịch vụ chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đã phát huy hiệu quả sử dụng trong thực tế, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo được môi trường làm việc điện tử hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành; góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử. Nhiều cơ quan nhà nước có tỷ lệ áp dụng chữ ký số trong văn bản điện tử rất cao, có cơ quan đạt tỷ lệ tới 90% văn bản điện tử có chữ ký số trên tổng số văn bản điện tử trao đổi chính thức giữa cơ quan nhà nước. Một số cơ quan đã thay thế hoàn toàn quy trình làm việc công văn giấy tờ truyền thống sang quy trình điều hành, tác nghiệp điện tử mà chữ ký số là nhân tố đảm bảo tính xác thực và an toàn. Hiệu quả của việc ứng dụng và triển khai chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục được khẳng định trong thực tế. Các số liệu nêu trên đã phản ánh một thực tế khách quan về xu hướng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Phát triển, mở rộng, duy trì hạ tầng kỹ thuật
Công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật trong thời gian qua cũng có sự phát triển vượt bậc. Hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã từng bước đầu tư xây dựng và phát triển về kỹ thuật, công nghệ, để phục vụ triển khai ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp và ứng dụng trong hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước các cấp. Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được xây dựng trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, làm chủ về mật mã, đảm bảo an toàn một cách nghiêm ngặt, đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn và bảo mật thông tin; được vận hành bởi đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao phục vụ kịp thời mọi nhu cầu về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cũng bộc lộ những bất cập: Hệ thống các văn bản quản lý, hướng dẫn, quy định về chữ ký số chuyên dùng vẫn chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn; các quy định về chữ ký số trong văn bản điện tử còn thiếu và bất cập; sự phối hợp giữa các bên tham gia trong mô hình tổ chức hoạt động có lúc chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng....
Trong thời gian tới, dự báo nhu cầu ứng dụng và triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử là rất lớn. Điều này đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ, ngành Cơ yếu Việt Nam những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng và triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục tăng cường xây dựng, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng và triển khai chữ ký số phục vụ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của chữ ký số nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ công chức nhà nước.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số bằng các giải pháp đồng bộ về nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tạo ra những cơ hội mới, tác động và làm biến đổi toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội. Do vậy, nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang và phát triển kinh tế - xã hội đã và đang đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam những yêu cầu mới ngày càng phức tạp.
Với những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ sẽ ngày càng được củng cố, phát triển, góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.