Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia trên không gian mạng
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và các biện pháp đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT viễn thông, gắn liền với công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh trên không gian mạng.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ phải “Gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng, phát triển CNTT phải đi đôi với bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia”, đặc biệt cần “phát huy vai trò các lực lượng chuyên trách bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước. Thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng công an, quân đội, ngoại giao, cơ yếu, thông tin và truyền thông” để có các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật, sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, bảo đảm chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Chỉ thị 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được quán triệt, triển khai giúp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những thông tin có nội dung xấu, độc hại gây tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, chế độ, ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Chủ động phòng ngừa, hạn chế những sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch và các loại đối tượng lợi dụng xâm nhập hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của cơ quan, tổ chức và công dân.
Luật An toàn thông tin mạng được ban hành năm 2015 đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng.
Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đều thống nhất quan điểm chỉ đạo về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, cụ thể là:
- Chủ quyền trên không gian mạng là bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng quốc gia an toàn và ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Huy động sức mạnh mọi nguồn lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đầu tư cho bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là đầu tư cho bảo vệ tổ quốc, cần được ưu tiên.
- Chủ động phòng vệ, sẵn sàng đáp trả hợp pháp các mối đe dọa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực phải gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Một số giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta cần thực hiện một số giải pháp như:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc đẩy mạnh, phát triển công tác ứng dụng CNTT gắn liền với yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin. Quán triệt sâu rộng đến cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về công tác bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và an toàn thông tin trên không gian mạng; xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh trong quá trình phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh, vô hiệu hóa các thông tin xấu độc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các thành phần sử dụng và cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm tự kiểm soát việc truyền - đưa thông tin trên không gian mạng, đảm bảo không gây nguy hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện có, hoàn chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng; đảm bảo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang luôn được bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý giám sát chặt chẽ các luồng kết nối Internet quốc tế, quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý việc thực hiện các quy định của pháp luật về không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng (năm 2015) và Chính phủ đã ban hành Nghị định 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, hiện nay Dự thảo Luật An ninh mạng, Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được xây dựng, hoàn chỉnh để trình Quốc hội trong thời gian tới. Đây là các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến không gian mạng, làm cơ sở cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục bổ sung, xây dựng các cơ sở pháp lý về quy trình xử lý các tình huống về chỉ huy, tấn công đáp trả, điều phối các hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố của các Bộ, ngành và toàn xã hội khi xảy ra chiến tranh mạng, đặc biệt là chiến tranh mạng gắn với hoạt động quân sự, nguy cơ chiến tranh xâm lược của nước ngoài.
Kiện toàn tổ chức về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng trên cơ sở tập trung các lực lượng có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, sản xuất, chiến đấu trong bảo vệ bí mật nhà nước, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, CNTT, viễn thông... nhằm thống nhất quản lý, điều hành trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, cần kiện toàn lực lượng tác chiến mạng, phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng thuộc Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ. Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh 86 được thành lập trực thuộc Bộ Quốc phòng là cơ quan đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm mạng công nghệ cao và diễn biến hòa bình trên không gian mạng, chuẩn bị nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Không chỉ có lực lượng chuyên trách, lực lượng dự bị động viên cũng cần được xây dựng và phát triển, phục vụ cho hoạt động bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng.
Phát triển khoa học, công nghệ và các biện pháp kỹ thuật bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia
Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, bảo vệ tương xứng, liên tục, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển và vận hành. Cơ quan chủ quản, vận hành hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phải có trách nhiệm triển khai các phương án, biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin, sử dụng các sản phẩm mật mã quốc gia để bảo vệ tuyệt đối bí mật nhà nước; sử dụng chữ ký số chuyên dùng cho hệ thống chính trị để đảm bảo tính toàn vẹn của nội dung thông tin, xác thực người gửi, ngăn chặn các hành vi giả mạo, sửa đổi trái phép thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; xây dựng hệ thống thu thập, xử lý, giám sát an toàn thông tin, nhằm phát hiện và cảnh báo kịp thời hoạt động tấn công mạng; xây dựng hệ thống thu thập thông tin và cảnh báo sớm hoạt động tấn công mạng tại các luồng lưu lượng trên không gian mạng quốc gia; xây dựng hệ thống phòng, chống các cuộc tấn công từ chối dịch vụ quy mô lớn thông qua triển khai các hệ thống tiếp nhận, phân luồng, điều hướng các lưu lượng tấn công từ chối dịch vụ phân tán nhắm vào hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Đầu tư tiềm lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Cần ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Tăng cường xây dựng tiềm lực cho các cơ quan chuyên trách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng.
Ngoài ra, cần nghiên cứu việc thành lập các quỹ đầu tư cho nghiên cứu, phát triển các giải pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; có cơ chế huy động, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ dịch vụ, có năng lực tự sản xuất các thiết bị an toàn mạng, không lệ thuộc vào sản phẩm nước ngoài, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển lớn mạnh ngang tầm khu vực, thế giới.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phải được quan tâm, chú trọng. Cần có quy hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách trong lĩnh vực an toàn và bảo mật thông tin. Tập trung thực hiện chương trình mục tiêu, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, công tác quản lý, kết hợp đào tạo trong nước và ở nước ngoài, xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, gắn chặt giữa đào tạo với bồi dưỡng phẩm chất chính trị theo tiêu chuẩn đối với người làm công tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Tăng cường ứng dụng các công nghệ trong huấn luyện, đào tạo an toàn, an ninh thông tin mạng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, đạo đức tốt làm việc cho các cơ quan nhà nước và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh với các thế lực thù địch có hoạt động chống phá Việt Nam. Tăng cường hợp tác diễn tập quốc tế về phòng, chống tấn công mạng, cũng như điều tra, truy tìm nguồn gốc tấn công mạng.
Tham gia các công ước, thỏa thuận quốc tế về bảo vệ không gian mạng, phòng chống tội phạm mạng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai có hiệu quả, thiết thực các nghị định thư, thỏa thuận hợp tác về phòng chống tội phạm mạng đã ký kết với các nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế có trình độ phát triển cao về CNTT để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Kết luận
Chủ quyền trên không gian mạng là bộ phận quan trọng không thể tách rời chủ quyền quốc gia dân tộc. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Để làm được việc này, Đảng và Nhà nước cần phải có những giải pháp đồng bộ và kịp thời. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với bản lĩnh và truyền thống bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm hệ thống phòng thủ vững chắc và sẵn sàng đánh trả thắng lợi trong các tình huống xung đột và chiến tranh trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, an ninh của quốc gia trong thời kỳ mới.
Nguyễn Đăng Đào, Ban Cơ yếu Chính phủ
14:18 | 19/08/2016
10:00 | 17/10/2019
15:00 | 04/04/2007
13:00 | 13/11/2013
15:00 | 03/10/2019
13:00 | 22/10/2024
Hội đồng Liên minh Châu Âu đã chính thức thông qua Luật về khả năng phục hồi mạng (Cyber Resilience Act - CRA) vào ngày 10/10/2024, trong đó sẽ đưa ra các yêu cầu về an ninh mạng trên toàn EU đối với các sản phẩm có thành phần kỹ thuật số.
10:00 | 04/10/2024
Thông qua diễn tập thực chiến vừa tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã có cơ hội nhìn nhận, đánh giá năng lực ứng phó của đơn vị mình trước những mối nguy hại, cuộc tấn công trên không gian mạng.
15:00 | 18/09/2024
Ủy ban châu Âu (EC) vừa khởi xướng sáng kiến thành lập các nhà máy Trí tuệ Nhân tạo (AI Factory) với mục tiêu củng cố vị thế hàng đầu của châu Âu trong phát triển AI đáng tin cậy. Đây là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI, đồng thời đảm bảo sự phát triển của công nghệ này dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức và bảo mật cao, nhằm phục vụ lợi ích chung cho cả khu vực và thế giới.
14:00 | 09/09/2024
Ngày 4/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.