Cùng với sự phát triển của Chính phủ điện tử (CPĐT), việc xây dựng Kiến trúc CPĐT là hết sức cần thiết, tạo điều kiện cho việc kết nối, liên thông, chia sẻ hạ tầng, thông tin trong CPĐT, tránh sự đầu tư trùng lặp gây lãng phí. Hầu hết các nước có CPĐT phát triển đều hướng tới xây dựng và áp dụng Khung Kiến trúc CPĐT. Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 1.0 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 21/4/2015 sẽ được giới thiệu dưới đây.
Ngày nay, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) hướng tới phát triển CPĐT là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Xây dựng CPĐT trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ chính phủ nào. Có nhiều định nghĩa về CPĐT, hầu hết các định nghĩa đều có một số nội dung chính như sau: Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQNN, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai CPĐT, đặc biệt tại các nước phát triển, lợi ích mà CPĐT mang lại được thể hiện rất rõ, thậm chí có thể định lượng được.
Chính phủ điện tử thường cung cấp các nhóm dịch vụ: Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho người dân (G2C); Chính phủ cung cấp thông tin và dịch vụ cho doanh nghiệp (G2B); Cung cấp thông tin và các dịch vụ liên quan giữa các cơ quan chính phủ với nhau (G2G); Chính phủ cung cấp các thông tin và dịch vụ cho các cán bộ, công chức (G2E).
Giới thiệu chung về Khung Kiến trúc CPĐT
Theo Liên Hợp quốc, để chuyển sang chính phủ kết nối, đòi hỏi có một khung (framework) chặt chẽ, đồng bộ cả về các cơ chế và các giải pháp thực hiện. Các cơ quan chính phủ thường là các tổ chức lớn, có đặc trưng cấu trúc phân cấp, phân tách phức tạp thành các đơn vị thành viên nhỏ hơn và các đơn vị này hoạt động tương đối độc lập. Điều này dẫn đến sự phân chia thành các quy trình nghiệp vụ, các hệ thống thông tin khác nhau tạo ra nhiều vấn đề phức tạp trong việc kết nối, liên thông giữa các đơn vị.
Để giải quyết vấn đề kết nối, liên thông trong CPĐT, có hai giải pháp chính là ban hành, áp dụng các Chuẩn và việc ban hành, tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và đưa ra các Khung tương hợp cho CPĐT (e-Government Interoperability Framework), với cốt lõi là các bộ chuẩn nhằm đảm bảo cho tính tương hợp, kết nối liên thông. Khung Kiến trúc CPĐT còn hướng tới việc xác định rõ các thành phần, bộ phận của tổ chức, cơ quan và mối quan hệ giữa các thành phần này trong CPĐT.
Trong thời gian qua, đã có nhiều phương pháp luận về Khung Kiến trúc CPĐT được xây dựng, chủ yếu dựa trên các khung kiến trúc và phương pháp luận chính như: Khung Zachman (Zachman Framework); Khung kiến trúc nhóm mở (Open Group Architectural Framework - TOGAF); Phương pháp luận của Gartner; Khung kiến trúc tổng thể liên bang của Mỹ (Federal Enterprise Architecture Framework - FEAF); Các chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT của Đức (Standards and Architectures for eGovernment Applications - SAGA); Phương pháp luận của Đan Mạch (Offentlig Information Online - OIO). Các chuyên gia cho rằng, không có phương pháp luận nào là hoàn toàn phù hợp để xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT mà đòi hỏi phải có sự chọn lọc, kết hợp nhiều phương pháp để đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức.
Việc xây dựng và tuân thủ Khung Kiến trúc CPĐT sẽ giúp các CQNN:
- Tăng khả năng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên quy mô rộng, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, theo cơ chế một cửa;
- Tăng khả năng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ trên diện rộng giữa các CQNN;
- Giảm đầu tư trùng lặp, vì xác định được rõ các thành phần, hệ thống thông tin trong CPĐT và trách nhiệm, lộ trình triển khai của các cơ quan.
Xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT tại Việt Nam
Với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, không thể áp dụng hoàn toàn một Khung Kiến trúc CPĐT sẵn có của nước ngoài, mà phải xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT phù hợp.
Khung Kiến trúc CPĐT tại Việt Nam có một số đặc điểm sau:
- Hệ thống quản lý hành chính nhà nước chia làm nhiều cấp, với nhiều mối quan hệ dọc, ngang trong mỗi cấp và giữa các cấp;
- Hệ thống chính trị của Việt Nam bao gồm nhiều thành phần như các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam....
- Quy mô, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành rất khác nhau. Nhiều Bộ có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức gọn, các đơn vị trực thuộc trong phạm vi địa lý hẹp. Trong khi nhiều Bộ có quy mô, chức năng, nhiệm vụ phức tạp, các đơn vị trực thuộc có trụ sở làm việc trên khắp cả nước;
- Có sự khác biệt về quy mô, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố trên các vùng miền;
- Hiện trạng, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các CQNN chủ yếu có quy mô nhỏ, mang tính nội bộ, thiếu kết nối, chia sẻ hạ tầng và dữ liệu. Việc đầu tư nhiều nơi còn trùng lặp, chưa phân định rõ trách nhiệm trong xây dựng, triển khai hệ thống CNTT các cấp. Đây là những hạn chế mà Khung Kiến trúc CPĐT cần xem xét để khắc phục.
Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam được xây dựng dựa trên sự kết hợp các phương pháp luận xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT của quốc tế, bảo đảm phù hợp với các đặc thù của Việt Nam. Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phải đảm bảo mang tính tổng quát, tính cụ thể, tính kết nối, tính mở và tính khả thi.
Mối quan hệ, sự phân cấp quản lý hành chính của CQNN sẽ có ảnh hưởng lớn đến Khung kiến trúc CPĐT, vì CPĐT liên quan đến tin học hóa hoạt động của các CQNN trong cơ cấu tổ chức hành chính nhà nước. Hiện nay, tại Việt Nam có thể chia thành 04 cấp quản lý hành chính nhà nước, bao gồm: Cấp Trung ương, đứng đầu là Chính phủ và các Bộ; cấp Tỉnh, đứng đầu là UBND Tỉnh và các cơ quan chuyên môn; Cấp Quận/Huyện, đứng đầu là UBND Huyện và các cơ quan chuyên môn và cấp Phường/Xã.
Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam
Các thành phần chính của Sơ đồ tổng thể khung kiến trúc CPĐT (Hình vẽ ) gồm các thành phần:
- Người sử dụng: Là những người truy cập, sử dụng dịch vụ CPĐT các cấp, bao gồm người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức.
- Kênh giao tiếp: Là môi trường giúp người sử dụng truy cập đến các hệ thống thông tin CPĐT của các CQNN để thực hiện giao dịch. Một số kênh tiêu biểu như điện thoại, cổng/trang thông tin điện tử, hay giao tiếp trực tiếp.
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Là đầu mối kết nối người sử dụng tới các ứng dụng, hệ thống thông tin (HTTT) của các Bộ/Tỉnh. Cổng này một mặt kết nối với Kênh giao tiếp, mặt khác, lại kết nối với các cổng thông tin điện tử các Bộ/Tỉnh; kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông của quốc gia và các HTTT/CSDL quốc gia. Trong trường hợp Cổng thông tin điện tử của Chính phủ chưa kết nối các cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh thì người sử dụng sẽ kết nối trực tiếp với cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh.
Hình: Sơ đồ tổng thể Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam
- Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương: Hệ thống này bao gồm các dịch vụ, ứng dụng có thể chia sẻ, dùng chung cấp quốc gia để kết nối, liên thông các HTTT ở quy mô quốc gia. Hệ thống này giúp cho việc đầu tư không trùng lặp, tiết kiệm; đồng thời tạo điều kiện kết nối liên thông, tích hợp các HTTT.
- Kiến trúc CPĐT của Bộ/Tỉnh, gồm các bộ phận chính:
+ Cổng thông tin điện tử: Để kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ và tới người sử dụng, mặt khác kết nối tới các ứng dụng CNTT của Bộ/Tỉnh.
+ Các ứng dụng CNTT: Là chương trình máy tính để cung cấp các dịch vụ CPĐT tương ứng.
+ Nền tảng chia sẻ, tích hợp: là nơi lưu trữ các ứng dụng, dịch vụ chia sẻ, dùng chung cho cả Bộ/Tỉnh và cũng bao gồm các dịch vụ để tích hợp, kết nối các ứng dụng, hệ thống CNTT trong phạm vi Bộ/Tỉnh. Đồng thời, nó cũng được kết nối tới các hệ thống bên ngoài (như nền tảng chia sẻ, tích hợp của các Bộ/Tỉnh khác; các HTTT/CSDL quốc gia;…).
+ Cơ sở hạ tầng thông tin của Bộ/Tỉnh là hạ tầng kỹ thuật phục vụ các ứng dụng/HTTT của Bộ/Tỉnh, bao gồm mạng, thiết bị CNTT, ATTT....
- Các HTTT/CSDL Quốc gia: Là các hệ thống thông tin hoặc CSDL quy mô quốc gia, được dùng chung cho nhiều Bộ/Tỉnh. Ví dụ: HTTT quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ, hệ thống thư điện tử quốc gia, HTTT quản lý Ngân sách và Kho bạc, hệ thống Thuế điện tử, Hải quan điện tử, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về tài chính, CSDL quốc gia về đất đai,...
Danh mục các HTTT, CSDL có quy mô quốc gia được cập nhật trong các Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các HTTT ngoài cơ quan nhà nước: Là các HTTT hoặc CSDL của các cơ quan, tổ chức như các cơ quan Đảng, các doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế khác.
- Hạ tầng kỹ thuật: là hạ tầng kỹ thuật CNTT kết nối các HTTT trên quy mô quốc gia. Những thành phần chính của hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia được cập nhật trong các Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Quản lý, chỉ đạo: Bao gồm công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức, hướng dẫn, đào tạo, môi trường pháp lý, truyền thông, nhằm bảo đảm các điều kiện triển khai các HTTT.
- An toàn thông tin: Là thành phần xuyên suốt, là điều kiện bảo đảm triển khai các thành phần của CPĐT. Đảm bảo ATTT bao gồm các nội dung chính như: bảo vệ an toàn thiết bị, an toàn mạng, an toàn hệ thống, an toàn ứng dụng CNTT, an toàn dữ liệu, quản lý và giám sát. Các nội dung này cần được triển khai đồng bộ tại các cấp, đáp ứng nhu cầu thực tế và xu thế phát triển công nghệ.
Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam cũng thể hiện bao quát sự kết nối của các HTTT các cấp, phù hợp với sự kết nối về quy trình nghiệp vụ thực tế như đã phân tích, cụ thể như sau:
Kết nối dọc bao gồm các liên kết:
- Kết nối từ Chính phủ xuống các Bộ, UBND các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Kết nối từ các cơ quan chuyên ngành của Bộ xuống các cơ quan chuyên ngành (sở chuyên ngành) của Tỉnh thông qua hình thức trực tiếp, kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ với Tỉnh và qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
- Kết nối từ cơ quan chuyên ngành của các Bộ xuống các cơ sở đặt tại các địa phương (như kết nối từ Tổng cục xuống các Cục, Chi cục tại địa phương) thông qua hình thức trực tiếp, qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ và qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
- Kết nối từ các cơ quan chuyên ngành của tỉnh (sở chuyên ngành) với các đơn vị chuyên môn cấp dưới (huyện, xã) thông qua hình thức trực tiếp hoặc qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh.
Kết nối ngang, bao gồm các mối liên kết:
- Kết nối giữa các Bộ thông qua các hình thức như trực tiếp; kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
- Kết nối giữa các đơn vị trực thuộc Bộ, thông qua hình thức trực tiếp; kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
- Kết nối giữa các Tỉnh thông qua hình thức kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của các tỉnh hoặc qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương;
- Kết nối giữa các cơ quan chuyên ngành cấp Tỉnh (các sở, ban, ngành) thông qua các hình thức như: Trực tiếp; kết nối giữa nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh;
- Kết nối giữa các cơ quan chuyên môn cấp huyện (các phòng, ban) thông qua hình thức trực tiếp hoặc kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh.
Kết nối với các HTTT ngoài cơ quan nhà nước
Việc kết nối giữa các HTTT của các cơ quan nhà nước với các đơn vị khác tùy theo yêu cầu cụ thể mà sẽ có những hình thức phù hợp theo quy mô, cấp kết nối. Các kết nối này gồm hình thức trực tiếp; kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ/Tỉnh hoặc kết nối qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương.
Việc chọn lựa theo các hình thức kết nối cụ thể nào tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu thực tế. Định hướng chung, việc kết nối nội bộ giữa các đơn vị trong Bộ/Tỉnh thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ/Tỉnh; việc kết nối quy mô quốc gia thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương.
Thực tế hiện nay, các thành phần trong Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam còn chưa đầy đủ và sẽ được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, các Bộ/Tỉnh trên cơ sở điều kiện hiện có, vẫn phải đảm bảo triển khai CPĐT phục vụ nhu cầu thực tế.
Cụ thể, khi Cổng thông tin điện tử Chính phủ chưa kết nối với Cổng thông tin điện tử các Bộ/Tỉnh, thì người dân, doanh nghiệp có thể truy cập trực tiếp tới Cổng thông tin điện tử của các Bộ/Tỉnh. Khi chưa có hệ thống kết nối, liên thông ở Trung ương và địa phương thì các HTTT các Bộ/Tỉnh có thể kết nối trực tiếp với nhau. Trong mỗi Bộ/Tỉnh, nếu chưa có nền tảng chia sẻ, tích hợp chung thì các ứng dụng/HTTT sẽ trực tiếp kết nối với nhau theo nhu cầu.
Như vậy, Khung Kiến trúc CPĐT phiên bản 1.0 đã xác định được Sơ đồ tổng thể Khung Kiến trúc CPĐT của quốc gia. Đây là căn cứ để CQNN các cấp xác định trách nhiệm, vị trí của mình trong sự phát triển CPĐT của Quốc gia; làm căn cứ để các Bộ/Tỉnh xây dựng Kiến trúc CPĐT chi tiết của mình, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và Kiến trúc CPĐT chi tiết của các Bộ/Tỉnh, các CQNN có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT theo lộ trình, bảo đảm sự kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng chung thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin.
Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy, xây dựng Kiến trúc CPĐT là công việc phức tạp, lâu dài, Khung Kiến trúc CPĐT thường được ban hành thành nhiều phiên bản trong các giai đoạn khác nhau, phù hợp nhu cầu, sự phát triển. Sau khi xác định Khung Kiến trúc CPĐT quốc gia, cơ quan có trách nhiệm cần phát hành các tài liệu hướng dẫn triển khai cụ thể.