Mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết Đại hội đề ra là đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa với các mục tiêu cụ thể như sau:
- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã xác định 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 20212030, trong đó, định hướng thứ (3) về nguồn nhân lực và KHCN, định hướng thứ (8) về hợp tác quốc tế như sau:
- Định hướng thứ 3: Tạo đột phát trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
- Định hướng thứ 8: Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng đề ra 12 chủ trương lớn, trong đó có chủ trương thứ (4) liên quan đến KHCN, đó là: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN".
Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thứ (2) về nguồn nhân lực và phát triển KHCN: "Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Báo cáo chính trị chỉ rõ 5 quan điểm phát triển, trong đó quan điểm đầu tiên là về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số:
Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…
Một trong những điều được nhấn mạnh và nhắc lại nhiều lần nhất trong Nghị quyết đại hội lần này là cụm từ “KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” (đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng; phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số). Quan điểm này là đổi mới so với các nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết đại hội lần thứ XII năm 2016 của Đảng (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ).
Trong các đột phá chiến lược cũng nêu rõ quan điểm: "Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới; hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo".
Báo cáo chính trị xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong đó nhiệm vụ thứ (3) liên quan đến hợp tác quốc tế và các lực lượng an ninh - quốc phòng, đó là: "Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước".
Như vậy, Đảng ta tiếp tục đổi mới tư duy, xác định muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).
Hiện nay, ngành Cơ yếu Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Một số quan điểm, định hướng lớn như sau:
- Kiện toàn tổ chức lực lượng cơ yếu theo hướng tập trung, thống nhất, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
- Việc xây dựng, phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam phải thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; phù hợp với tính chất của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ban, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị.
- Sáng tạo, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh trí tuệ tổng hợp; xác định khoa học và công nghệ mật mã, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách phát triển Ngành Cơ yếu; kịp thời cập nhật và đón bắt về xu hướng kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại; tận dụng những lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển hạ tầng thông tin mật mã quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo với các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trên cơ sở bảo đảm tính độc lập, tự chủ, chặt chẽ về nguyên tắc và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
- Việc xây dựng tiềm lực, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phải đồng bộ với xây dựng nguồn nhân lực có cơ cấu, trình độ tương ứng với sự phát triển của hệ thống kỹ thuật mật mã và hệ thống tổ chức lực lượng cơ yếu; hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống kỹ thuật mật mã quốc gia phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ…
- Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, bảo đảm phù hợp với nguồn lực nhằm tạo bước đột phá để nâng cao tiềm lực về khoa học - công nghệ mật mã đủ năng lực phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động thu tin, thám mã của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
Có thể nói, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương lớn của Đảng được xác định trong Nghị quyết đại hội XIII.
Trong giai đoạn tới, các chiến lược, chính sách sẽ thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ. Đây là thời cơ và thuận lợi khi mà các ngành, các cấp đồng loạt triển khai thực hiện Nghị quyết XIII sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, là tiền đề quan trọng để xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
TS. Nguyễn Quốc Toàn Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ
14:49 | 29/01/2016
17:00 | 07/08/2015
07:00 | 07/11/2024
Dự án siêu trung tâm dữ liệu AI do Nvidia và tỷ phú Mukesh Ambani khởi xướng được kỳ vọng sẽ biến Ấn Độ thành một trung tâm công nghệ AI hàng đầu thế giới, sánh ngang với Thung lũng Silicon.
10:00 | 30/10/2024
Văn phòng Bộ Quốc phòng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị toàn quân chú trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Bộ Quốc phòng. Trong đó, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo cơ quan chức năng, hướng dẫn cơ quan báo chí trong quân đội chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng.
12:00 | 21/10/2024
Dự thảo Luật Dữ liệu nêu rõ Ban Cơ yếu Chính phủ vừa có trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, cung cấp chữ ký số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, vừa có vai trò quan trọng trong việc triển khai các sản phẩm mã hóa, giải mã dữ liệu, góp phần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình thu thập, xử lý, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.
14:00 | 24/09/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.