Theo chương trình làm việc của Phiên họp thứ 13, chiều 10/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Nội dung Tờ trình nêu rõ, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước của các cấp, các ngành, cán bộ, nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước cho thấy, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Việc xây dựng Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết. Việc ban hành Luật sẽ góp phần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật Nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật....
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được bố cục thành 5 chương, 41 điều, trên cơ sở kế thừa và luật hóa những quy định phù hợp; sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu, chưa khả thi của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Dự thảo Luật có một số nội dung mới như: Xác định rõ hơn về hình thức, nội dung và tiêu chí của khái niệm bí mật Nhà nước; bổ sung các quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước, các hành vi bị nghiêm cấm; bổ sung tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật Nhà nước, phạm vi bí mật Nhà nước, trách nhiệm lập danh mục bí mật Nhà nước, thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước. Bên cạnh đó, các quy định về hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước cũng được bổ sung nhiều nội dung mới.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Báo cáo nêu rõ: Đa số ý kiến của Thường trực UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, đồng thời cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo. Liên quan đến các nội dung của dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định trong dự thảo Luật, nhưng cần bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tuy nhiên, đa số ý kiến Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định về khái niệm bí mật Nhà nước trong dự thảo chưa phù hợp, do đó cần nghiên cứu, thiết kế lại quy định này cho phù hợp và dễ hiểu hơn, bảo đảm logic, phù hợp với các điều luật trong dự thảo.
Thường trực UBQPAN cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, kế thừa quy định về phân loại bí mật Nhà nước của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, chỉnh lý quy định về thẩm quyền quyết định danh mục bí mật Nhà nước, về phổ biến, nghiên cứu bí mật Nhà nước, về cung cấp, chuyển giao bí mật Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung, chỉnh lý các quy định về hoạt động của các cơ quan chức năng nhằm phát hiện việc lộ, mất bí mật Nhà nước để kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục, hạn chế hậu quả; các quy định về việc xử lý, hạn chế thiệt hại do việc lộ, mất bí mật Nhà nước gây ra như hủy bỏ, điều chỉnh, đình chỉ việc sử dụng bí mật Nhà nước; các quy định liên quan đến vai trò của Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ trong quản lý, bảo vệ bí mật Nhà nước. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật văn bản; nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý nội dung dự thảo Luật nhằm bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Tại phiên họp, đã có 14 ý kiến tham gia thảo luận vào các nội dung như: Khái niệm bí mật Nhà nước; phân loại bí mật Nhà nước; phạm vi bí mật Nhà nước; danh mục bí mật Nhà nước; hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, giải mật; tiêu hủy bí mật Nhà nước; khu vực cấm, địa điểm cấm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bảo vệ bí mật Nhà nước; trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời khẳng định, về cơ bản UBTVQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước nhằm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp 2013, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, đầy đủ cho công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật: Một số nội dung của dự án Luật có liên quan tới nhiều luật khác như Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, do đó cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất.
Về tính khả thi của dự thảo Luật: Trong điều kiện khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc, cơ quan soạn thảo cần làm rõ tính khả thi của các quy định về phạm vi, danh mục bí mật Nhà nước, các biện pháp, phương pháp, công cụ bảo vệ bí mật Nhà nước.
Về khái niệm bí mật Nhà nước: Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ nội hàm của khái niệm bí mật Nhà nước, nhất là làm rõ khái niệm về vật, khu vực cấm, địa điểm cấm.
Về phân loại bí mật Nhà nước: Nội dung này kế thừa quy định hiện hành về 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật, Mật, nhưng đã có đổi mới về cách phân loại dựa vào lĩnh vực và hậu quả có thể xảy ra nếu để lộ, lọt thông tin. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần phải đánh giá thêm về tính khả thi, đặc biệt là cách thức để xác định hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Về danh mục bí mật Nhà nước: danh mục bí mật Nhà nước cần quy định sao cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các quy định liên quan đến hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước, công tác quản lý bí mật Nhà nước: cần hướng tới mục đích quản lý, bảo vệ tốt, không để lộ, lọt, đồng thời hạn chế tối đa việc lợi dụng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước để gây phiền hà, tạo thêm thủ tục trong quản lý, hạn chế việc “mật hóa văn bản”; cần có quy định đầy đủ hơn về đối tượng, địa điểm, các sự kiện, quy trình phổ biến, vận chuyển bí mật Nhà nước; cần làm rõ thêm, bổ sung các quy định về ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ thông tin trong bảo vệ bí mật Nhà nước.
Về trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước: cần có quy định chặt chẽ, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị hữu quan, trong đó, phân định rõ trách nhiệm giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đã đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật và phối hợp với cơ quan thẩm tra để thẩm tra chính thức trong thời gian tới.