Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Việt Nam cho biết: Từ lúc mua hãng bảo mật McAfee (cách đây khoảng 3 – 4 năm), Intel luôn nghĩ đến vấn đề đảm bảo an ninh khi thiết kế các bộ vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 3 (tên mã là Ivy Bridge) Intel Core thế hệ thứ 4 (tên mã Haswell). Điển hình như Haswell, hệ thống System-on-Chip (SoC – Hệ thống chip xử lý và chip đồ họa trên cùng một chip) hoàn thiện đầu tiên của Intel vừa mới ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 6/2013, cũng đã có sự kết hợp phần cứng và phần mềm để đảm an toàn, an ninh thông tin.
Điểm khác biệt của Intel so với các hãng CNTT-TT khác khi nhìn nhận vấn đề an toàn bảo mật là nhắm tới khả năng đảm bảo an toàn ở lớp dưới hệ điều hành của thiết bị.
Các hệ thống CNTT thường được phân thành các lớp như thiết bị cứng, máy ảo (virtual machine), hệ điều hành, và trên cùng là các ứng dụng. Trước kia, các loại mã độc chỉ nhắm tới việc tấn công vào phần ứng dụng ở trên. Khi máy tính hoặc thiết bị bị nhiễm virus, mã độc, chỉ cần dùng phần mềm bảo mật quét là thiết bị có thể hoạt động bình thường trở lại. Song gần đây, tin tặc (hacker) và các loại mã độc đã phát triển tinh vi hơn, đã xuất hiện những loại mã độc mới có thể ăn sâu và "nằm khuất" dưới hệ điều hành hoặc găm vào máy ảo, nếu chỉ quét thông thường như trước kia thì không có tác dụng, mã độc sẽ vẫn nằm yên vị, và thiết bị coi như đã " nhiễm bệnh".
Intel dự đoán đến năm 2016 sẽ có 19 tỷ thiết bị kết nối vào Internet, gồm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) và các thiết bị nhúng. Sự xuất hiện đa dạng thiết bị đầu cuối cộng thêm với xu hướng phát triển điện toán đám mây sẽ khiến nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin ngày càng cao.
Nguy cơ mã độc, hacker tấn công các đám mây là có thể xảy ra dễ dàng. Chẳng hạn, khi 1 nhân viên dùng tablet cá nhân truy cập ứng dụng đám mây của doanh nghiệp, sau đó lại dùng tablet phục vụ nhu cầu cá nhân như chơi game, tải nhạc,…, và có thể tải nhầm các ứng dụng miễn phí hoặc giả miễn phí cài sẵn mã độc. Vô hình chung tablet này đã trở thành một cổng dẫn lối cho mã độc xâm nhập vào thu thập các dữ liệu cá nhân và tấn công cả hệ thống đám mây của doanh nghiệp.
Nếu sử dụng chip Haswell với công nghệ DeepSafe (bảo vệ chuyên sâu) có khả năng bảo vệ lớp dưới hệ điều hành của thiết bị, người dùng có thể giảm thiểu nguy cơ mã độc “nằm vùng” dưới hệ điều hành.
Intel cũng cho biết, hiện nay họ vẫn tiếp tục phối hợp với các hãng bảo mật như Trend Micro, Kaspersky,… nghiên cứu tích hợp thêm các tính năng bảo đảm an toàn an ninh mới vào sản phẩm của mình. Tuy nhiên, chưa có sự kết hợp với các công ty bảo mật Việt Nam như Bkav, CMC,.. vì các công ty này có vẻ như đang chỉ tới việc bảo vệ lớp ứng dụng, chưa tính tới chuyện bảo vệ lớp dưới hệ điều hành.
Bàn thêm về việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong cơ quan Nhà nước tại Việt Nam, ông Cang cho biết: Mới đây, trong sự kiện Tech Day do Intel tổ chức, đã có ý kiến đề xuất các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam cần rút ngắn thời gian đổi máy tính cho cán bộ công chức. Theo quy định hiện hành thì 5 năm sẽ đổi máy 1 lần. Nhưng với hiện trạng mã độc phát triển nhanh và ngày càng tinh vi, các hãng phần mềm cứ 1 – 2 năm lại ra một phiên bản (version) mới, và công nghệ phần cứng như của Intel cũng có nhiều chuyển đổi, thì nên đổi máy cho cán bộ công chức sau 3 năm sử dụng. Bởi những loại máy cũ sẽ dễ bị hacker tấn công và giả sử chỉ cần máy tính của 1 cán bộ nhân viên của Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch Đầu tư bị nhiễm mã độc, cũng có thể mở đường cho mã độc tấn công cả hệ thống quản lý tài chính công. Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và khó lường.
5 điều cần biết về chip Haswell mới của Intel
Intel vừa mới công bố vi xử lý Core thế hệ 4 (tên mã Haswell). Với vi xử lý Core thế hệ 4, Intel hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể thời lượng pin và hiệu suất đồ họa cho PC. Mục tiêu của Haswell là giúp ultrabook trở nên phổ biến hơn, đồng thời khiến những loại máy “2 trong một” (các thiết bị lai giữa laptop và tablet có thể tháo rời) trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng.
Dưới đây là những lợi ích lớn nhất mà chip Haswell sẽ đem lại.
1.Tăng thời lượng pin
Cải tiến lớn nhất, và có lẽ ấn tượng nhất, mà chip mới của Intel cung cấp là tăng 20% thời lượng pin so với các dòng CPU thế hệ trước của Intel. Intel làm được điều này bằng cách giảm tổng công suất mà CPU cần để chạy nhiều ứng dụng khác nhau.
Ví dụ, trong khi thường cần hơn 8W điện năng để xem video HD, chip thế hệ mới của Intel chỉ cần chưa tới 5W. Tương tự, các ứng dụng Microsoft Office vốn yêu cầu 8W điện năng nay chỉ cần dưới 6W.
Nhìn chung, những thay đổi này sẽ dẫn tới một số cải tiến quan trọng về hiệu quả sử dụng điện. Intel ước tính sẽ tăng thêm 3 giờ phát video HD.
2. Khả năng đồ họa mạnh mẽ
Các game thủ và nhà biên tập video đều biết rằng chip đồ họa tích hợp khó mà so kịp sức mạnh của các loại chip chuyên dụng của những hãng như Nvidia và AMD. Nhưng Intel hi vọng sẽ thay đổi điều đó với dòng GPU tích hợp mới của chip Haswell. Intel đã thay thế chip Intel HD Graphics 4000 trong CPU Core thế hệ 3 bằng một dòng chip tích hợp mới bao gồm HD Graphics 4200, 4400, 4600 và 5000.
Nếu muốn có được những cỗ máy mạnh mẽ hơn, có thể chọn một hệ thống sử dụng Iris Graphics 5100 hoặc Iris Pro Graphics 5200 mới của Intel, chúng được dự kiến sẽ tăng gấp đôi khả năng đồ họa của laptop của người dùng, cho phép chơi những game như “Tomb Raider” với đồ họa thiết lập trung bình ở độ phân giải 1920 x 1080 với tốc độ ấn tượng 38 khung hình mỗi giây.
Ngoài ra, chip đồ họa mới của Intel còn hỗ trợ tốt hơn độ phân giải 4K. Phần mềm Intel Quick Sync Video tốc độ cao cho phép xử lý và chỉnh sửa video nhanh hơn gấp 9,2 lần, cũng như cải tiến tốc độ “decode” JPEG và MPEG.
3. Tập trung vào những thiết bị “2 trong 1”
Với Haswell, Intel đã thành công trong việc giảm kích thước của vi xử lý Core bằng cách kết hợp CPU và Platform Controller Hub vào một chip. Điều này không chỉ cho phép sản xuất những mẫu ultrabook mỏng hơn, mà còn giúp cho ra đời những thiết bị 2 trong 1 (hay còn gọi là thiết bị lai giữa laptop và tablet) mỏng hơn.
Hiện nay, một trong những mối lo ngại lớn nhất về các thiết bị lai là độ nóng của linh kiện máy tính. Những thiết bị mỏng hơn sẽ có ít không gian bên trong để không khí lưu chuyển, dẫn tới laptop hoặc tablet trở nên nóng hơn.
Để khắc phục, Intel đã nghiên cứu để cải thiện khả năng quản lý nhiệt của chip Core. Intel cho biết chip Haswell sẽ cho phép sản xuất những thiết bị ultrabook hoặc thiết bị lai chạy mát hơn so với các mẫu hiện tại, trong khi vẫn đảm bảo hiệu suất cao.
4. Các tiêu chuẩn ultrabook mới
Chip Haswell của Intel cũng đi kèm một bộ tiêu chuẩn mới về định nghĩa ultrabook. Để một chiếc laptop dùng vi xử lý Core thế hệ 4 được coi là ultrabook, nó phải hỗ trợ công nghệ WiDi, điều khiển bằng giọng nói và trang bị màn hình cảm ứng. Thiết bị cũng phải có khả năng khôi phục từ trạng thái ngủ sau chưa tới 3 giây, cung cấp thời lượng pin cho 7 ngày ở chế độ “standby”, ở trạng thái tạm dừng hoạt động (idle) trong vòng 9 giờ trên Windows 8, và cung cấp hơn 6 giờ xem video HD.
Ngoài ra, một chiếc ultrabook cũng nên được bảo vệ chống virus và chống malware, bao gồm công nghệ Anti-Theft và Identity Protection của Intel. Một chiếc ultrabook cũng cần có thiết kế linh hoạt hơn, dễ dàng chuyển đổi giữa laptop và tablet hơn.
5. Hỗ trợ WiDi tốt hơn
Công nghệ Wi-Di (Wireless Display) của Intel cho phép người dùng chuyển một hình ảnh hoặc video từ laptop tới một thiết bị bất kỳ có hỗ trợ WiDi để có trải nghiệm xem tốt hơn. Chip Haswell sẽ nhận được phiên bản WiDi cập nhật WiDi 4.1.
WiDi 4.1 có những cải tiến chính như giảm độ trễ, tập trung vào điều khiển cảm ứng và hỗ trợ thêm nhiều thiết bị USB, chuẩn 3D lập thể (stereoscopic 3D) và Miracast độ phân giải cao.
Tiêu chuẩn mới cũng cho phép nhiều loại thiết bị hỗ trợ WiDi hơn, bao gồm tivi sản xuất Toshiba và LG, máy chiếu và adapter WiDi nhỏ hơn sản xuất bởi Netgear, Lenovo và Actiontec.
09:00 | 23/03/2020
07:00 | 07/11/2024
Vào ngày 25/10, các chuyên gia an ninh mạng của Viettel Cyber Security đã giành ngôi vô địch Pwn2Own 2024 diễn ra tại Ireland. Đây là sự kiện thường niên do Zero Day Initiative tổ chức, năm nay sự kiện đạt quy mô tổng giải thưởng trên 1 triệu USD, lớn nhất từng có.
17:00 | 11/10/2024
Mới đây, Microsoft đã công bố một công cụ phân tích nội dung web dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) mới có tên là Copilot Vision, nhấn mạnh vào tính an toàn và bảo mật để giải quyết các mối lo ngại tiềm ẩn.
10:00 | 02/10/2024
Trong tháng 9, Microsoft, Adobe và SAP đã phát hành bản vá cho các sản phẩm của mình. Người dùng cần khẩn trương cài đặt bản vá để phòng tránh rủi ro mất an toàn thông tin.
14:00 | 24/09/2024
Vừa qua, Google đưa thông báo rằng người dùng sử dụng Passkey để đăng nhập vào các ứng dụng và trang web giờ đây có thể lưu nó trên nhiều thiết bị chứ không chỉ trên thiết bị Android của họ.
Công ty chuyên về bảo mật dữ liệu Fortanix (Hoa Kỳ) và Sectigo (Hoa Kỳ) nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng toàn cầu mới đây vừa công bố hợp tác chiến lược nhằm nâng cao bảo mật chuỗi cung ứng phần mềm thông qua việc cấp chứng chỉ ký mã tự động.
13:00 | 14/11/2024