Ngày 29/3/2016, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế đã công bố vụ việc rò rỉ dữ liệu được cho là lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Thông tin về các dữ liệu bị rò rỉ cho thấy những người giàu có trên thế giới có thể trốn thuế bằng việc thực hiện các giao dịch kinh doanh tại những quốc gia có ưu đãi lớn về thuế và sử dụng các công ty tư nhân làm vỏ bọc. Vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất lịch sử này được gọi với cái tên Hồ sơ Panama.
Mossack Fonseca chính là mắt xích quan trọng nhất trong Hồ sơ Panama. Đây là một công ty luật được thành lập từ năm 1977, có trụ sở tại Panama, chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý dành cho các doanh nghiệp tại nước ngoài. Công ty này cũng đã hỗ trợ thành lập các công ty tư nhân tại nước ngoài ở hơn 200 quốc gia, chúng đều hoạt động hợp pháp. Trong khi đó, đất nước Panama là một nền kinh tế mở và có mức thuế thấp (gần như không có), điều này đã biến Panama thành một “thiên đường thuế” đối với các công ty, tập đoàn, trong đó có cả các công ty, tập đoàn của Việt Nam.
Cuối năm 2014, một người tự xưng là John Doe đã liên hệ với Bastian Obermayer, nhà báo đã thực hiện nhiều phóng sự điều tra của tòa soạn Nhật báo Nam Đức (Süddeutsche Zeitung), thông báo về việc sở hữu các thông tin mật liên quan đến việc trốn thuế của các tổ chức, các chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới. Bastian Obermayer chưa hề gặp “nguồn tin” của mình và hai người đã giao tiếp qua một hệ thống được mã hoá. Tuy nhiên, Hồ sơ Panama quá lớn nên Nhật báo Nam Đức đã phối hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists - ICIJ) cùng thực hiện điều tra. Trong hơn 1 năm, Hồ sơ Panama đã được đánh giá, xử lý bởi 400 nhà báo của 80 quốc gia cùng các chuyên gia dữ liệu hàng đầu để phục vụ quá trình điều tra. Một hệ thống máy tính và cơ sở dữ liệu rất lớn, tương đương với hệ thống của nhiều cơ quan tình báo, hãng luật, hay tập đoàn lớn đã được xây dựng để phục vụ công việc này.
Dữ liệu rò rỉ bao gồm 2,6 TB, gấp 100 lần so với vụ rò rỉ dữ liệu Wikileaks từng gây chấn động toàn cầu vào năm 2010. Đây là các thông tin từ năm 1977 đến tháng 12/2015 của công ty luật Mossack Fonseca, trong đó có 11,5 triệu tài liệu, bao gồm cả email và hợp đồng kinh doanh. Chúng tiết lộ về hơn 214.000 công ty “vỏ bọc” thành lập trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, được sử dụng bởi 140 chính trị gia, 29 tỷ phú và rất nhiều người nổi tiếng khác.
Nhật báo Nam Đức và ICIJ đã hợp tác với công ty phần mềm Nuix để sắp xếp và tổ chức lại các tập tin. Nuix đã đưa ra giải pháp để xử lý khối dữ liệu này bằng cách lưu trữ chúng trên các máy chủ độc lập không kết nối Internet. Ban đầu, thách thức lớn nhất của việc này là lượng văn bản rất lớn, không thể nhận dạng bởi các máy tính. Khi đó, công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) đã được sử dụng để chuyển dữ liệu thành các đoạn văn bản mà máy tính có thể hiểu và tìm kiếm được. Các văn bản sau khi được trích xuất sẽ được lập chỉ mục (index) để đưa vào cơ sở dữ liệu và trích xuất thành metadata, sau đó được phân tích từ góc độ dữ liệu lớn (bigdata). Vì vậy, kích thước cuối cùng của dữ liệu sẽ chỉ bằng khoảng 30% so với kích thước dữ liệu gốc.
Khi thông tin được đánh chỉ mục, các thuật toán tìm kiếm được sử dụng để truy cập đến các đường dẫn cụ thể trong khối dữ liệu bị rò rỉ khổng lồ này. Cuối cùng, việc trích xuất thông tin tự động được kết hợp với việc tạo ra dữ liệu thủ công để xây dựng danh sách những người có tên trong Hồ sơ Panama.
Những lỗ hổng bảo mật
Lỗ hổng trên trang web của hãng Moscack Fonseca được cho là đã tạo cơ hội giúp John Doe có thể sở hữu được lượng lớn các dữ liệu bị rò rỉ. Theo Tạp chí Wired, trang web này có chứa lỗ hổng bảo mật DROWN đã tạo ra điểm yếu của giao thức SSLv2, điều đó đã ảnh hưởng tới kết nối có mã hóa như HTTPS và các dịch vụ khác dựa trên giao thức SSL/TLS. Lỗ hổng này được các chuyên gia an toàn thông tin đánh giá là một cuộc tấn công chi phí thấp, giúp cho tin tặc có thể dễ dàng lấy cắp được thông tin bí mật của người dùng như mật khẩu, dữ liệu cá nhân. Mossack Fonseca sử dụng trang web với hệ quản trị nội dung mã nguồn mở Drupal được cập nhật từ tháng 8/2013. Phiên bản này chứa tới 25 lỗ hổng, trong đó có một lỗ hổng đặc biệt nguy hiểm, có thể bị khai thác để tiến hành một cuộc tấn công SQL Injection thông qua việc gửi các truy vấn có chủ đích, từ đó dẫn đến khả năng thực hiện tấn công leo thang đặc quyền. Ngoài ra, trang web này được xây dựng trên nền tảng WordPress 4.1, phát hành từ tháng 12/2014, chứa các plugin đã lỗi thời và phần mềm của hệ thống webmail Outlook Web Access của Mossack Fonseca đã không được cập nhật phần mềm từ năm 2009. Đặc biệt, email của Mossack Fonseca còn không sử dụng các biện pháp mã hóa. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia cũng chưa biết rõ những lỗ hổng cụ thể nào trong hệ thống của Mossack Fonseca đã bị khai thác.
Trước đó, Ramon Fonseca, người đồng sáng lập Mossack Fonseca đã khẳng định với hãng tin AP rằng, hệ thống mạng nội bộ của công ty đã bị tin tặc thâm nhập trái phép đánh cắp dữ liệu. Tuy vậy, thay vì quan tâm đến việc công ty này bị xâm nhập trái phép thì tên tuổi khách hàng của Mossack Fonseca và sự ảnh hưởng của vụ việc tới chính trường thế giới lại thu hút sự quan tâm của thế giới hơn cả.
Thông tin được chính thức công khai
Ngày 9/5/2015, ICIJ đã chính thức công khai các thông tin trong Hồ sơ Panama. Theo đó, người dùng trên khắp thế giới có thể truy cập trang //offshoreleaks.icij.org để xem dữ liệu. Danh sách có các cá nhân, tổ chức lập 200.000 tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Các nhân vật được nhắc tới gồm: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Quốc vương Ảrập Xêút Salman, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.... Đa số các nhân vật bị cáo buộc đều nhanh chóng phản bác các thông tin của ICIJ đã công bố.
Sự ảnh hưởng của Hồ sơ Panama là không hề nhỏ đối với chính trường thế giới. Ngày 4/4/2016, Gonzalo Delaveau Swett, Chủ tịch Transparency Chile (chi nhánh của tập đoàn chống tham nhũng toàn cầu ở Chile) đã từ chức do Hồ sơ Panama tố cáo việc ông có liên hệ với ít nhất 5 công ty ở nước ngoài. Sau đó một ngày, Thủ tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson cũng đã từ chức do sức ép từ dư luận. Hồ sơ Panama đã tiết lộ việc ông Gunnlaugsson có liên hệ với một công ty ở nước ngoài, bị tình nghi nắm giữ cổ phần của những ngân hàng bị phá sản của Iceland trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thông tin này lập tức làm nổ ra cuộc biểu tình rầm rộ ở thủ đô Reykjavik. Những người biểu tình đòi Thủ tướng từ chức, cải tổ Chính phủ, đồng thời kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Hành động của một số chính phủ
Liên quan đến Hồ sơ Panama, các quốc gia như Pháp, Đức, Brazil, Australia, Áo, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hà Lan… đã mở các cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền. Mặc dù chưa có chính khách nào của Mỹ bị nêu tên trong Hồ sơ Panama, nhưng Mỹ cho biết sẽ xem xét vụ việc này. Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama là tin tốt lành vì sẽ giúp Paris tăng doanh thu thuế. Trong khi đó, Trung Quốc lại có phản ứng trái ngược với những nước khác, khi lập tức ra lệnh cho các website, trang tin gỡ bỏ tất cả các thông tin liên quan đến vụ việc Hồ sơ Panama và đe dọa sẽ có biện pháp mạnh nếu như cá nhân hay tổ chức nào không chấp hành điều này. “Panama” là từ khóa được Weibo kiểm duyệt gắt gao nhất vào thời điểm này. Trung Quốc là quốc gia “thống trị” Hồ sơ Panama với 25.000 tổ chức, cá nhân được nhắc đến.
Những phản ứng trên đã cho thấy những đối tượng bị thiệt hại trong vụ rò rỉ thông tin này. Vậy ai là người được lợi? Theo phân tích từ những nhà kinh tế, các đối tượng đầu tiên được lợi từ vụ rò rỉ này là chính là các chính trị gia đối lập. Việc thành lập các công ty vỏ bọc hay mở tài khoản nước ngoài không hẳn là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc thành lập công ty với mục đích giữ tiền bí mật, trốn thuế, rửa tiền lại được cho là “tội ác cổ cồn trắng”. Đây sẽ là cơ hội cho các phe đối lập của 140 chính trị gia được nhắc tên trong Hồ sơ Panama thay đổi vị thế trên chính trường. Ngoài ra, cơ quan thuế, chủ nợ của các nhân vật này cũng là những đối tượng được hưởng lợi từ Hồ sơ Panama.
Tại Việt Nam
Tra cứu trong kho dữ liệu của Hồ sơ Panama, Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty Cảnh ngoại (offshore) và 23 công ty trung gian nằm trong danh sách. Theo điều tra độc lập của phóng viên báo Lao động, một loạt các tên, địa chỉ được nhắc đến trong Hồ sơ Panama Việt Nam là không có thật. Một số nhân vật được nhắc tên trong Hồ sơ Panama cho rằng, đây là điều bình thường trong việc mở rộng quy mô kinh doanh bởi việc sử dụng những công ty cảnh ngoại tại các quốc gia có ưu đãi về thuế để tránh mức thuế cao là để tối ưu hóa dòng tiền. Tuy nhiên, việc có hay không việc những cá nhân, tổ chức đứng sau những “cái tên ma” trong Hồ sơ Panama đã lập những công ty Cảnh ngoại cho mục đích khác như rửa tiền hay chuyển số lượng tiền ra nước ngoài vượt mức cho phép vẫn cần các cơ quan điều tra làm rõ.
Liên quan đến việc hơn 200 tổ chức, cá nhân Việt Nam xuất hiện trong Hồ sơ Panama, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có những phản hồi nhất định. Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết: Hiện NHNN chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này. NHNN đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan và trong phạm vi quyền hạn của mình và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Thanh tra Chính phủ đã nắm bắt, theo dõi và báo cáo về thông tin liên quan tới các cá nhân người Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Tuy nhiên, nguồn tin này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Đây mới chỉ là thông tin một chiều, cũng không phải nguồn tin chính thống nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin, coi đó là một nguồn để tham khảo chứ chưa có chỉ đạo cụ thể. Cục Chống tham nhũng sẽ tiến hành tập hợp các thông tin nắm bắt được, báo cáo Trung ương và Chính phủ để xem xét.
Tại cuộc họp về Hồ sơ Panama vào chiều ngày 10/5/2016, Tổng Cục Thuế đã quyết định thành lập một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với hơn 200 tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ này.
Chính trường nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận những diễn biến mới liên quan đến việc có hay không hoạt động trốn thuế, rửa tiền của các nhân vật quyền lực và giàu có trên thế giới trong Hồ sơ Panama. Hồ sơ vẫn đang được phân tích, mỗi ngày sẽ có thêm những thông tin khuất tất được đưa ra ánh sáng. Vụ việc rò rỉ dữ liệu này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chính trường một số nước trên thế giới và cho thấy hiệu quả của một nỗ lực hợp tác quốc tế lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực báo chí.