Ngày 17/6/2016, tại thành phố Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên.
Tới dự, về phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Phan Ngọc Thọ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đại diện một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Phía Bộ Thông tin và Truyền thông có ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin và một số cán bộ cục ATTT, Cục Tin học hóa…. Ngoài ra, còn có sự tham dự của một số cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT).
Ông Phan Ngọc Thọ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu chào mừng tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng đã phân tích bối cảnh chung về tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và chỉ rõ nguyên nhân của hiện trạng này. Cụ thể trong thời gian qua, 62% sự cố mất ATTT là do yếu tố con người, trong đó 52% mất ATTT vì thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật, 10% là do thiếu chuẩn mực nguyên tắc đạo đức. Điều đó cho thấy sự cần thiết trong việc triển khai công tác đảm bảo ATTT, đặc biệt là đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, thời gian vừa qua, tình hình ATTT thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô lớn, tại Việt Nam cũng đã xảy ra một số sự cố mất ATTT gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, việc đảm bảo an toàn hệ thống thông tin đang là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt nhất là vấn đề về yếu tố con người. Do vậy, người dùng cần được tập huấn và đào tạo các kỹ năng về đảm bảo ATTT. Ngoài ra, công tác cảnh báo và phát hiện các yếu tố mất ATTT tại các địa phương vẫn còn hạn chế nên việc thực hiện các giải pháp khắc phục sự cố còn chậm trễ, do vậy, công tác cảnh báo, phát hiện, khắc phục sự cố cần thực hiện liên tục nhằm đảm bảo an toàn, thống suốt hệ thống thông tin của cơ quan Đảng và chính quyền các cấp.
Tại hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin đã thông tin về một số sự cố ATTT điển hình tại Việt Nam thời gian qua và những bài học kinh nghiệm; giới thiệu công tác triển khai Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an ninh, ATTT đến năm 2020 (Đề án 99), Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 (Đề án 893) và Quyết định số 898/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTT giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 27/5/2016.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin cũng đã chia sẻ, thảo luận về nội dung, phương pháp xây dựng kế hoạch, đăng ký kinh phí, các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong các Đề án, đặc biệt về các hoạt động về đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT và hỗ trợ giải pháp kỹ thuật trong công tác bảo đảm ATTT.
Cũng trong Hội nghị, đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cũng đã phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số 102:2016/BTTTT về Cấu trúc mã định danh và Định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Quy chuẩn này sẽ có hiệu lực từ 1/10/2016.
Ông Lê Sĩ Minh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế (người ngồi bên phải) tham gia tọa đàm tại Hội thảo
Thông qua Hội nghị, Bộ TT&TT mong muốn các Bộ, ngành địa phương cùng nhau phối hợp triển khai Đề án 99 và Đề án 893 của Thủ tướng Chính phủ để công tác bảo đảm ATTT được thực hiện một cách có hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy phát triển CNTT của đất nước.
Trước đó, sáng ngày 15/6/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP. Hồ Chí Minh, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã phối hợp với Sở TT&TT TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện 19 Sở TT&TT khu vực phía Nam; đại diện các sở, ban, ngành, quận huyện TP. Hồ Chí Minh; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp và phóng viên các báo, đài tại TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay Việt Nam đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ về công tác bảo đảm ATTT. Do đó, cần có sự triển khai đầy đủ, nghiêm túc của các cấp, các ngành nhằm giảm tỷ lệ các sự cố mất ATTT mạng xảy ra do nhận thức yếu kém, chủ quan của con người ở dưới mức 50%; Nâng cao uy tín giao dịch điện tử của Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của của các tổ chức quốc tế; Hình thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống kiểm định, đánh giá ATTT; Phát triển tối thiểu 5 sản phẩm ATTT thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ ATTT trong nước.