Bởi vậy, chiến lược phát triển KH - CN của Chính phủ Mỹ trong thế kỷ 21 tiếp tục hướng tới một số lĩnh vực trọng yếu : An ninh quốc gia; Công nghệ vũ trụ; Công nghệ lưỡng dụng và Hạ tầng thông tin toàn cầu. Tạp chí ATTT xin giới thiệu tóm tắt về “Chiến lược phát triển KH&CN để đảm bảo cho an ninh quốc gia của Mỹ trong thế kỷ 21”.
Chiến lược KH&CN cho an ninh Quốc gia Mỹ dựa trên nhận định rằng: cùng với việc kết thúc chiến tranh lạnh, nước Mỹ đang đương đầu với những thách thức tổng hợp và đa dạng hơn. Sự truyền bá nhanh chóng của thông tin và công nghệ đã làm tăng khả năng phổ biến các loại vũ khí hiện đại, kể cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt của các tổ chức khủng bố và cả một số nước cực đoan. Vấn đề hợp tác và đầu tư thích đáng và liên tục cho KH&CN đóng một vai trò trung tâm.
Những ưu tiên của KH&CN cho An ninh Quốc gia
Công nghệ thông tin (CNTT), các bộ cảm biến điện tử, mô hình hóa và sự mô phỏng là những ưu tiên cao nhất của các chương trình KH&CN cho lĩnh vực an ninh quốc gia Mỹ. CNTT và các bộ cảm biến điện tử có tiềm năng để cải tiến cơ bản mọi vấn đề đối với khả năng quân sự tương lai. Trong khi đó, mô hình và sự mô phỏng góp phần chính vào việc đào tạo, nâng cao tính sẵn sàng, thiết kế vũ khí và quản lý trang bị, đồng thời, chúng giúp làm giảm thiểu sự thiệt hại về con người và các trang thiết bị trong chiến đấu. CNTT còn góp phần quan trọng làm thay đổi chiến trường, tạo khả năng hoạt động tốt hơn của các loại vũ khí, các hạ tầng quân sự và cả chính con người hiện nay. Ngày nay, công nghệ điện tử và các chương trình phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng đã làm tăng khả năng “lưỡng dụng” của nhiều loại thiết bị, công nghệ.
Về nghiên cứu cơ bản, Mỹ có những ưu tiên theo thứ tự sau: Khoa học vũ trụ và không gian; Hóa học và sinh học; Các khoa học thần kinh và tri thức; Khoa học máy tính, Điện tử và phần mềm; Toán học đặc biệt là toán học ứng dụng; Khoa học nguyên vật liệu và cơ khí; Khoa học về Đại dương; Khoa học về vật lý và Khoa học về sự sống.
Về lĩnh vực phát triển khai thác công nghệ tiên tiến, Mỹ tập trung vào các lĩnh vực sau: Vũ trụ và năng lượng; Các ứng dụng sinh hóa; Điều hành và kiểm soát thông tin trong phạm vi toàn cầu (đặc biệt là phân tích và xử lý những thông tin nhạy cảm); Kiểm soát sử dụng không gian vũ trụ.
Theo các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, CNTT làm tăng tính sẵn sàng của các lực lượng tác chiến và được gọi là công nghệ “số hóa chiến trường”. Đây là một ứng dụng CNTT nhằm thu nhận, phân tích, trao đổi và sử dụng thông tin kịp thời về toàn bộ cuộc chiến, đánh giá nhu cầu của mỗi người chỉ huy, binh lính, cho phép họ duy trì sự quan trắc chính xác, rõ ràng cần thiết hỗ trợ lập kế hoạch, ra quyết định nhanh chóng và thực hiện. Số hóa cho phép người tham gia chiến đấu được thông báo thường xuyên, liên tục và chính xác thông tin chiến trường. Việc “số hóa chiến trường” được tập trung vào các giải pháp công nghệ bao gồm việc nén các số liệu, truyền thông và viễn thám (thám mã) dựa trên cơ sở vệ tinh, cảm biến và tổng hợp các số liệu và truyền thông vô tuyến hiện đại. Các loại radio hiển thị đa chức năng, vi điện tử và mô phỏng hóa hiện đại khiến cho nước Mỹ luôn chủ động trong mọi tình huống.
Việc giảm qui mô, cơ cấu lực lượng quân sự Mỹ được dựa vào khả năng của cộng đồng tình báo, xác định chính xác và hiểu rõ những mối đe dọa đang nổi lên hoặc tiềm tàng để các nhà hoạch định chính sách có thể triển khai nhanh chóng biện pháp đáp ứng có hiệu quả. Vấn đề quan trọng là cần tăng cường đáng kể độ tin cậy của các tin tức tình báo, sự kiểm soát và do thám nhằm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin cho những người ra quyết định.
Việc đầu tư KH&CN nhằm giúp cho quá trình thu thập và xử lý tin tức tình báo được thực hiện một cách hiệu quả. Thông tin tình báo được thu thập qua tình báo viên (HUMINT), qua phân tích ảnh từ vệ tinh và máy bay (IMINT), từ các Trung tâm nghe trộm (SIGINT), từ việc phân tích các tin tức có định hướng từ các đài phát thanh và từ các nguồn tin công khai khác. Đầu tư KH&CN được tập trung vào việc xử lý hệ thống thu thập thông tin đặc biệt và các thuật toán phục vụ cho việc xử lý và khai thác số liệu tình báo.
Trong những năm tiếp theo, do sự bùng nổ công nghệ mang tính toàn cầu, cộng đồng tình báo và an ninh thông tin quốc gia của Mỹ phải đương đầu với nhiều thách thức và cơ hội mới, các đe dọa nảy sinh và phổ biến với qui mô lớn, các nguy cơ được tạo ra từ những tiến bộ nhanh chóng về những công nghệ trên thị trường thương mại. Vì thế, việc đầu tư KH&CN có tính định hướng sẽ tạo ra cho tình báo Mỹ có cơ hội tốt để nắm bắt kịp thời và chính xác những tin tức, giúp cho các nhà hoạch định đưa ra những quyết định đúng đắn và kịp thời. Việc phối hợp nhằm thu hút khả năng của các nhà khoa học trong và ngoài nước đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược KH&CN của nước Mỹ.
Kế hoạch đầu tư cho KH&CN
Sự đầu tư cho KH&CN cần thiết trong tất cả các giai đoạn phát triển, nhằm bảo đảm rằng các kết quả nghiên cứu cơ bản (toán học, cơ học, sinh – hóa học, các kỹ nghệ phần mềm...) tiên tiến nhất được khai thác kịp thời cho các ứng dụng quân sự và an ninh thông qua chuyển giao công nghệ. Trong tổng số kinh phí dành cho KH&CN phục vụ cho quốc phòng – an ninh, thì khoảng 15% sẽ dành cho nghiên cứu cơ bản, 36% dành cho phát triển khai thác ứng dụng và phần còn lại cho sự phát triển công nghệ hiện đại. Chương trình nghiên cứu cơ bản phần lớn do các trường Đại học trên toàn nước Mỹ và các phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng thực hiện. Các phòng thí nghiệm Quốc gia của Bộ Năng lượng, Bộ Quốc phòng và các phòng thí nghiệm khác của Chính phủ được bao cấp, dành cho cả nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ.
Đối với các trường Đại học
Sự kết nối giữa KH&CN gắn liền với quân sự và các trường Đại học đã có từ lâu. Nghiên cứu khoa học của các trường Đại học có tác dụng kép: nó không chỉ cung cấp tri thức mới mà còn đào tạo ra các nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao, có tầm quan trọng sống còn đối với nền an ninh - quốc phòng của đất nước.
Các phòng thí nghiệm
Các phòng thí nghiệm của Bộ Quốc phòng do các binh chủng điều hành và thực hiện. Các lực lượng này cũng chịu trách nhiệm mua các kết quả nghiên cứu và công nghệ, để thực hiện các chức năng quan trọng sau đây: Xác định mối quan hệ giữa nhu cầu của quân đội và năng lực công nghệ; Đáp ứng nhanh chóng các giải pháp kỹ thuật chất lượng cao cho các nhu cầu của người lính khi có thay đổi và cung cấp kịp thời, hỗ trợ trực tiếp theo yêu cầu của trang thiết bị kỹ thuật mới nhất.
Các phòng thí nghiệm an ninh quốc gia của Bộ Năng lượng, cung cấp các kết quả nghiên cứu KH&CN đảm bảo rằng, các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ đáp ứng những tiêu chuẩn hoạt động và độ an toàn cao nhất. Chính việc nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của các phòng thí nghiệm đó đã thúc đẩy những đột phá về KH&CN và nhiều phát minh to lớn. Từ đó tạo ra những cơ hội khoa học mới và tạo khả năng cho các phòng thí nghiệm hướng vào và giải quyết các vấn đề quan trọng trong quốc phòng - an ninh. Chẳng hạn công nghiệp siêu máy tính ra đời từ chương trình nghiên cứu về vũ khí nhiệt hạch đã không chỉ thúc đẩy mức tăng trưởng một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, mà nó còn giúp mô phỏng thực nghiệm một loạt các vũ khí hiện đại, không cần phải thực nghiệm trên thực địa các loại vũ khí đó. Có thể nói, năng lực của các ngành công nghiệp là niềm tự hào của nước Mỹ và là sự “thèm muốn” của thế giới. Nước Mỹ coi việc phát triển các năng lực quân sự là vấn đề sống còn và là nền tảng cho sức mạnh của Mỹ. Hiện nay, do phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, chính phủ Mỹ tìm cách duy trì những năng lực thiết yếu của các cơ sở công nghiệp hỗ trợ quốc phòng từ khu vực công nghiệp tư nhân.
Trong lĩnh vực hợp tác Quốc tế
Hợp tác quốc tế về công nghệ quốc phòng là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh quốc gia và các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Hợp tác quốc tế về công nghệ nhằm hỗ trợ nâng cao các khả năng quốc phòng và an ninh qua tiêu chuẩn hóa và tập trận chung giữa lực lượng của các nước đồng minh. Nó giúp san sẻ gánh nặng về tài chính, giúp Mỹ tiếp cận được công nghệ tiên tiến nước ngoài, mở ra cơ hội về thị trường sản xuất toàn cầu cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ
Phát triển, giám sát và kiểm tra
Các công nghệ phục vụ cho việc phát triển, giám sát và kiểm tra là trọng tâm của chương trình KH&CN kiểm soát và cấm phổ biến vũ khí của Mỹ. Từ các vệ tinh, có thể chụp nhanh những bức ảnh về cơ sở sản xuất vũ khí đang được xây dựng, các bộ cảm biến trên không có thể “đánh hơi” được khí thải từ các nhà máy sản xuất hóa học, những tàu thủy trinh sát điện tử có khả năng lần theo dấu vết tên lửa đạn đạo khi chúng đang bay trên bầu trời. Hiện nay, Mỹ là nước đứng đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ và những phương pháp mới để giám sát tại hiện trường có hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ trong lĩnh vực này được thực hiện trong các phòng thí nghiệm tại Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, các công ty thương mại và các trường Đại học theo hợp đồng với Chính phủ Mỹ.
Kết luận
Để kết luận cho bài báo này, có thể trích dẫn tài liệu “Chiến lược an ninh quốc gia: can dự và mở rộng cho Thế kỷ 21” của Mỹ, phần nói về chính sách KH&CN: Cách đây hơn nửa thế kỷ, sức mạnh của KH&CN đã làm thay đổi sâu sắc cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh quốc gia. Kể từ đó, vai trò quan trọng của KH&CN trong việc đảm bảo nền an ninh của Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng, do những thách thức đối với an ninh quốc gia trở nên đa dạng hơn. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đang đặt trọng tâm vào các loại vũ khí tối tân nhằm ngăn ngừa các xung đột. Ngày nay, nước Mỹ có khả năng sử dụng KH&CN vượt trên các đối thủ, tạo ra mối quan hệ mới. Những tiến bộ KH&CN góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh sự hội nhập kinh tế và các quyền lợi khác của nước Mỹ. Chiến lược KH&CN cho an ninh quốc gia này là một bước để tiến tới xây dựng sự nhất trí cao hơn về đầu tư mà nước Mỹ cần để đảm bảo cho an ninh tương lai của mình và các nước đồng minh.
Bên cạnh đó, dưới góc độ an ninh thông tin để tăng cường và duy trì cho an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của nước Mỹ trong thế kỷ 21, Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia (The National Informatic Infrastructure - NII) bao gồm Internet, các mạng lưới nối mạng chung, cáp, vô tuyến và truyền thông vệ tinh đóng một vai trò quan trọng. Các mạng thông tin này được liên kết với nhau, các cá nhân, tổ chức và Chính phủ sẽ sử dụng NII để truy cập vào Hệ thống truyền thông đa phương tiện nên an toàn và an ninh thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự hoạt động và phát triển bền vững của NII. Hiện nay, Mỹ đã có nhiều chương trình, dự án nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và độ tin cậy cao cho Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia
09:00 | 08/12/2022
13:00 | 09/10/2024
Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, từ đại dịch covid-19 gây ra gián đoạn sản xuất, gián đoạn các tuyến vận tải biển do cướp biển hoặc thời tiết khắc nghiệt, cho đến các lệnh trừng phạt kinh tế, tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh ảm đạm cho hệ thống cung ứng toàn cầu.
10:00 | 04/10/2024
Thông qua diễn tập thực chiến vừa tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong Ban Cơ yếu Chính phủ đã có cơ hội nhìn nhận, đánh giá năng lực ứng phó của đơn vị mình trước những mối nguy hại, cuộc tấn công trên không gian mạng.
13:00 | 27/08/2024
Trong 04 ngày từ 20 - 23/8, Đoàn công tác của ngành Cơ yếu Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với các Tỉnh/Thành ủy: Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng và Đồng Tháp nhằm tăng cường sự phối hợp và đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.
08:00 | 26/08/2024
Kể từ tháng 8/2023, các nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại Liên minh châu Âu.