Chiến tranh mạng trở thành chủ đề được các quốc gia, các tổ chức và cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm. Nhiều quốc gia đã xây dựng chiến lược về an toàn thông tin quốc gia, thành lập các lực lượng tác chiến mạng và một số tổ chức khu vực, quốc tế cũng đã ra tuyên bố chung, các sáng kiến, cam kết về vấn đề này. Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội, ngày 1/4/2015, IPU 132 đã thông qua Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiêm trong đến hòa bình và an ninh toàn cầu”. Đây là tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế, là cơ sở để tiến tới xây dựng một công ước quốc tế về chống tội phạm công nghệ cao và ngăn chặn chiến tranh mạng.Tạp chí An toàn thông tin giới thiệu một số nội dung chính của bản Nghị quyết này.
Bản Nghị quyết đánh giá, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) là các công cụ liên kết và phát triển và không thể bị các thực thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng để vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều khoản và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc liên quan đến chủ quyền, không can thiệp, bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và cấm sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Sự tiếp cận tới không gian mạng của người dân liên quan đến truyền thông số qua vệ tinh, mạng cáp quang và các chương trình máy tính tiên tiến, trao đổi có hệ thống về thông tin (đồ hoạ, dữ liệu âm thanh, hình ảnh) qua máy vi tính, các công cụ và thiết bị thông minh, phần mềm, những hệ điều hành tiên tiến và khả năng sử dụng các công cụ này đúng mục đích của chúng. Bởi vậy, việc sử dụng công nghệ không đúng mục đích có thể gây tác hại ở cấp độ quốc gia, khu vực và thậm chí toàn cầu. Cần xây dựng các cơ quan thẩm quyền và văn kiện quản lý ở tầm quốc tế liên quan đến mục đích và việc sử dụng công nghệ.
Với những lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn mà không gian mạng mang lại cho các công dân trên thế giới, khả năng dự đoán an toàn, an ninh và sự ổn định của thông tin trong lĩnh vực mạng là cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa về một số khái niệm, định nghĩa và tiêu chuẩn của chính sách mạng, đặc biệt về chiến tranh mạng và mối liên hệ giữa chúng với hoà bình, an ninh quốc tế. Các nội dung này vẫn đang trong quá trình làm rõ ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời chưa có sự đồng thuận quốc tế trong một số lĩnh vực.
Không gian mạng là khái niệm rộng hơn Internet. Việc sử dụng phần cứng, phần mềm, các hệ thống dữ liệu, thông tin có thể có tác động vượt ra ngoài một mạng lưới và hạ tầng CNTT nhất định và được coi là một công cụ phát triển kinh tế; đồng thời sự bất bình đẳng, bao gồm cả bất bình đẳng giới tồn tại trong môi trường CNTT&TT.
Thực tế chỉ ra rằng, các lĩnh vực khác nhau trong chính sách mạng, cho dù khác biệt nhưng liên quan chặt chẽ với nhau và có thể tác động đến hoà bình quốc tế và các khía cạnh an ninh của không gian mạng. Và ngược lại, việc các cá nhân, tổ chức và nhà nước sử dụng bí mật và trái phép các hệ thống máy tính của các quốc gia khác để tấn công một nước thứ ba là một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng vì có khả năng làm bùng phát các xung đột quốc tế.
Không gian mạng có khả năng bị khai thác như một khía cạnh mới của xung đột cũng như một môi trường hoạt động mới, trong đó hầu hết các tài sản mạng đều có cả ứng dụng dân sự và quân sự. Nhà nước nên khuyến khích khu vực tư nhân và xã hội dân sự đóng vai trò thích hợp trong tăng cường an ninh và sử dụng CNTT&TT, bao gồm an toàn, an ninh của chuỗi cung ứng cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT.
Việc sử dụng CNTT&TT đã tái định hình môi trường an ninh quốc gia và quốc tế. Các công nghệ này có thể bị sử dụng vào các mục đích xấu, vi phạm quyền con người, quyền dân sự. Trong những năm gần đây, rủi ro về việc các thực thể nhà nước và phi nhà nước sử dụng CNTT&TT để thực hiện các tội ác, bao gồm bạo lực và tiến hành các hoạt động phá hoại đã gia tăng đáng kể.
Cần phải có nhận thức chung rằng, không gian mạng không phải là một miền biệt lập và các hoạt động gây bất ổn trong đó có thể có tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội toàn cầu, đồng thời gây ra các hình thức mất an ninh và xung đột truyền thống khác hoặc bắt đầu một hình thức xung đột mới. Bởi vậy, cần có sự hợp tác khu vực và quốc tế chống lại những mối đe doạ do sử dụng CNTT&TT vì mục đích phá hoại.
Việc sử dụng CNTT&TT bất hợp pháp có tác động tiêu cực đối với cơ sở hạ tầng của nhà nước, an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Cách thức khả thi duy nhất để có thể ngăn ngừa và đối phó với các thách thức mới này là củng cố ưu điểm của CNTT&TT, ngăn ngừa tác động tiêu cực, thúc đẩy việc sử dụng hòa bình và hợp pháp CNTT&TT đảm bảo rằng tiến bộ khoa học là để duy trì hòa bình và thúc đẩy phúc lợi, sự phát triển của người dân và sự hợp tác giữa các quốc gia, nhằm ngăn ngừa không gian mạng có nguy cơ biến thành “sân khấu” của các hoạt động quân sự.
Các biện pháp kiểm soát tội phạm mạng và tự vệ trên mạng là có tính chất bổ sung. Về khía cạnh này, Công ước về tội phạm mạng (Công ước Budapest) là công ước quốc tế duy nhất về tội phạm tiến hành qua Internet và các mạng máy tính khác, hiện đang để ngỏ cho các nước, bao gồm các nước thứ 3 gia nhập. Cho nên, việc sử dụng không gian mạng vào mục đích quân sự và tác động của các hoạt động cụ thể vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ, nhiều hoạt động mạng có thể gây bất ổn tình hình an ninh, tùy thuộc vào bản chất, quy mô, hậu quả tiềm tàng và các bối cảnh khác của các hoạt động này.
Trong bối cảnh đó, cần phản đối mạnh mẽ việc các quốc gia sử dụng không gian mạng như một phương tiện áp đặt các biện pháp kinh tế, hạn chế và phân biệt đối xử đối với một quốc gia khác với mục đích hạn chế tiếp cận thông tin hay dịch vụ. Cộng đồng quốc tế cần lên án việc sử dụng CNTT&TT trái với luật pháp quốc tế, mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định được quốc tế thừa nhận về việc cùng tồn tại giữa các quốc gia.
Đồng thời, cần phải lên án việc các nhóm khủng bố và tội phạm sử dụng CNTT&TT để liên lạc, thu thập thông tin, tuyển dụng, tổ chức, lên kế hoạch và phối hợp tấn công, truyền bá ý tưởng hành động của chúng và gây quỹ. Điều cần lưu ý là, khi làm như vậy, các nhóm này thường lợi dụng tính dễ bị tổn thương của một số nhóm xã hội nhất định. Cần lên án hơn nữa việc sử dụng không gian mạng để gây bất ổn định và đe dọa hòa bình, an ninh thế giới. Lên án bất cứ hành động lạm dụng công nghệ có chủ ý, bao gồm, nhưng không chỉ hạn chế trong lĩnh vực gián điệp do nhà nước tài trợ. Cần nỗ lực tiến tới việc ký kết một công ước quốc tế về Internet để ngăn ngừa khủng bố và các tổ chức khủng bố sử dụng Internet vào các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt để gây quỹ, tuyển dụng thành viên hoặc truyền bá tư tưởng kích động bạo lực và hận thù.
Cần phải tạo ra một sự cân bằng giữa kiểm soát an ninh đối với không gian mạng và tôn trọng sự riêng tư, tính bảo mật, sở hữu trí tuệ cùng các ưu tiên phát triển chính phủ điện tử và thương mại điện tử; cần phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực CNTT&TT.
Các Nghị viện cần xây dựng năng lực để nhận thức rõ hơn về bản chất phức tạp của an ninh quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực không gian mạng. Cần tính đến mối liên hệ qua lại giữa các lĩnh vực khác nhau khi xây dựng các chính sách mạng; rà soát lại khuôn khổ pháp lý của quốc gia mình để tìm cách điều chỉnh cho phù hợp nhất với các nguy cơ tiềm ẩn về mặt tội phạm, khủng bố và chiến tranh, phát sinh từ bản chất biến động của không gian mạng. Phải đảm bảo rằng, luật pháp và các quy định quốc gia không cho phép những hành vi phạm tội sử dụng công nghệ mạng với mục đích kích động xung đột giữa các quốc gia, hoặc dành quyền miễn trừ và nơi trú ẩn an toàn cho các tội phạm này.
Cần phải triển khai một kế hoạch chiến lược về phát triển thông tin trong lĩnh vực giáo dục, tổ chức các hoạt động cộng đồng có sự tham gia của người dân, với mục đích nâng cao nhận thức về lợi ích và sự tiện dụng khi tham gia không gian mạng, cũng như các tác hại của không gian mạng khi bị sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc khi ứng dụng CNTT và cần xem xét, ở cấp độ lập pháp và hành pháp, các biện pháp hợp tác có khả năng thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế, nhằm đạt được nhận thức chung về việc áp dụng các quy định phù hợp của luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn kèm theo, các quy định và nguyên tắc quy định việc hành xử có trách nhiệm của nhà nước.
Liên Hợp quốc cần tăng cường an ninh mạng bằng cách thiết lập một hệ thống dữ liệu toàn cầu về các cuộc tấn công mạng. Các văn bản pháp luật, hiệp định và thỏa thuận hợp tác liên quan đến không gian mạng, an ninh mạng, CNTT và viễn thông sẽ được rà soát và liên tục cập nhật.
IPU cùng với các tổ chức quốc tế có liên quan cần phải ủng hộ cơ chế hợp tác Liên Nghị viện, nhằm thúc đẩy các hiệp định quốc tế để đảm bảo việc ứng dụng CNTT có hiệu quả hơn tại các quốc gia. Sử dụng hợp lý và an toàn không gian mạng nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các biện pháp xây dựng lòng tin có lợi cho hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế. Qua đó giảm thiểu rủi ro an ninh hiện hữu trong việc ứng dụng CNTT, đồng thời phát triển các cơ chế phối hợp; thúc giục Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết cấm theo dõi và tấn công mạng bất hợp pháp vào cơ sở hạ tầng thiết yếu như mạng lưới điện, nước, bệnh viện.
Phần cuối của bản Nghị quyết nêu rõ: trên cơ sở Nghị quyết này, IPU cần đề xuất với Đại hội đồng Liên Hợp quốc triệu tập một hội nghị về Phòng chống chiến tranh mạng nhằm đạt được một lập trường thống nhất về các vấn đề liên quan và dự thảo Công ước quốc tế về ngăn ngừa chiến tranh mạng.