An ninh thông tin được hiểu là sự bảo đảm thông tin, hệ thống thông tin được phục vụ liên tục, tránh bị gián đoạn, ngăn chặn các truy cập trái phép làm sửa đổi, phá hoại hoặc rò rỉ thông tin.
Đối với một quốc gia, an ninh thông tin được hiểu là độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian thông tin, sự an toàn, phát triển ổn định, vững mạnh của lĩnh vực thông tin, hệ thống thông tin quốc gia. An ninh thông tin là nội dung trọng tâm của an ninh quốc gia trong điều kiện mới, có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề an ninh truyền thống khác như an ninh chính trị nội bộ, an ninh quân sự, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội. Nguy cơ gây mất an ninh thông tin là mối đe dọa lớn và ngày càng gia tăng đối với an ninh quốc gia, an ninh quốc tế.
Theo luật pháp, khái niệm an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (theo Điều 2, Chương I, Luật An ninh mạng).
Công nghiệp an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc phòng, an ninh, phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân (theo Điều 35, Chương V, Luật Công an nhân dân).
Công nghiệp an ninh thông tin ở Việt Nam hiện nay là sự phát triển kết hợp lĩnh vực dân sự với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối tác công tư. Trong ngành công nghiệp này có sự nghiên cứu, phát triển, sử dụng các phần mềm, dịch vụ thông tin riêng của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin, sự an toàn của bí mật nhà nước, giám sát an ninh mạng; xây dựng doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước lớn mạnh, làm chủ thị trường, hình thành lực lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, có năng lực tự sản xuất các trang thiết bị an ninh thông tin.
Trải qua gần 250 năm với 03 cuộc cách mạng công nghiệp, những lợi ích mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, không chỉ tạo ra biến đổi về lượng mà cả về chất đối với cuộc sống, xã hội loài người. Hiện nay các nước công nghiệp trên thế giới cũng đang trong quá trình chuyển đổi dần sang ứng dụng các hệ thống mới, với mục đích giữ vững vị thế và lợi nhuận.
Với những bước tiến nhanh về phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam đã có thứ hạng cao trên bản đô công nghệ thông tin thế giới, trong đó xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Cùng với đó, Viêt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao.
Xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Những tác động này dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp.
Đi cùng với những lợi ích to lớn về công nghệ thông tin thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ và thách thức trước những cuộc tấn công mạng không còn đơn thuần là khai thác lỗ hổng, phá hoại thông thường mà mục tiêu rõ rệt là nhắm tới các tổ chức tài chính, hệ thống máy tính của ngân hàng, hệ thống thương mại điện tử, chính phủ điện tử... Những nguy cơ, thách thức đối với ATTT từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được minh họa thông qua Bảng 1 dưới đây:
Bảng 1. Nguy cơ, điểm yếu của nền tảng công nghiệp 4.0
Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống đã góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với kỳ trước). Tuy nhiên, an ninh mạng đang đứng trước nguy cơ thách thức và hạn chế như:
- Không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang là công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu độc, vu khống, sai sự thật, lợi dụng mạng để tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ; sự suy thoái về đạo đức, gây ra những hiệu ứng mạng ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi một bộ phận giới trẻ;
- Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước qua không gian mạng là đáng lo ngại, nhiều văn bản thuộc bí mật nhà nước bị đăng tải trên không gian mạng;
- Sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ từ nước ngoài, thiếu chặt chẽ trong việc kiểm tra an ninh mạng trước khi lắp đặt và sử dụng các thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin, hệ thống bảo mật của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet đã lạc hậu, chậm được nâng cấp;
- Các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin không theo một tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự thẩm định về an ninh mạng;
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai, các văn bản hiện hành chưa đáp ứng hết được yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật…
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những nguy cơ, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình vận hành của hệ thống sản xuất thông minh là đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Phát triển năng lực công nghệ và nguồn nhân lực tương ứng để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nhiệm vụ của mọi quốc gia. Để phát triển và định hình nền công nghiệp an ninh mạng, an toàn thông tin, chúng tôi có một số đề xuất cụ thể như sau:
Một là, xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp an ninh mạng, an ninh thông tin.
Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin. Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp an ninh mạng, an ninh thông tin; tạo môi trường pháp lý để bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho nền kinh tế số, chia sẻ dữ liệu số, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin qua biên giới vào Việt Nam.
Trong thời gian qua, một số văn bản đã được ban hành, hoàn thiện hành lang pháp lý của nước ta như: Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng đươc thông qua ngày 12/6/2018 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2019 có một số điểm đáng quan tâm, như tại Điều 3 đề cập đến chính sách của nhà nước về an ninh mạng sẽ ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng. Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Hai là, tập trung phát triển nguồn nhân lực cao thông qua đổi mới phương pháp giáo dục.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ nhân lực an ninh, an toàn thông tin; Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ và đẩy mạnh công tác đào tạo ngành an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" (Đề án 99). Đây là cơ sở và căn cứ quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, muốn đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của Cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học cần thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội gắn với phát triển các chương trình, đổi mới phương thức và áp dụng khung giáo dục và đào tạo 4.0 trong các cơ sở đào tạo bậc đại học. Giáo dục đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo. Khai thác và tận dụng tiềm năng của công nghệ số như: dữ liệu cá nhân hóa, các thuật toán khai thác dữ liệu lớn (big data và data mining) và trí tuệ nhân tạo, để tạo ra sự liên kết rộng khắp nhưng đồng thời lại cá nhân hóa giữa người học với các nguồn kiến thức, từ đó tạo cơ sở cho mô hình học trọn đời, mọi lúc, mọi nơi và theo nhu cầu. Trong đó nền tảng của giáo dục 4.0 dựa trên quy tắc 5I:
- Hấp thụ (Imbibe): Tiếp thu vô số tri thức trên không gian mạng, nội suy hóa các khái niệm cơ bản.
- Lặp lại (Iterate): Thực hành các kỹ năng cơ bản một cách chặt chẽ và có sự lặp lại thông qua nhiều hình thức đa dạng để làm chủ kỹ năng.
- Diễn dịch (Interpret): Lấy dữ kiện từ việc nghiên cứu và áp dụng chúng vào các tình huống khác nhau với những thay đổi thích ứng theo từng điều kiện.
- Hứng thú (Interest): Phát triển sự tò mò và hứng thú về một chủ đề để nghiên cứu sâu và đóng góp cho nền tảng kiến thức chung.
- Đổi mới (Innovate): Suy nghĩ khác và đưa ra các khái niệm độc đáo. Từ đó xây dựng các ý tưởng, sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Việc thực hiện 5I đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ngành giáo dục, với việc kho tàng kiến thức nhân loại đang được số hóa và trở nên sẵn có, sự hỗ trợ của Internet băng rộng, các phòng học thông minh… nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo.
Ba là, xây dựng các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Quốc gia trong việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn.
Việc ứng dụng những thành tựu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học sâu trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nền công nghiệp 4.0 nhưng đó cũng là con dao hai lưỡi khi tin tặc cũng đã, đang sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vượt qua những hệ thống phòng thủ theo chiều sâu phức tạp để trục lợi và phá hoại.
Bốn là, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mạnh trong và ngoài nước.
Đây là một xu thế tất yếu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ riêng về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin. Có như thế mới có thể phát huy được hết tiềm năng, nội lực, khai thác các lợi thế, các thành tựu của thế giới để phát triển và tiến tới làm chủ các công nghệ tiên tiến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 2. Luật An ninh mạng 3. Luật Công an nhân dân |
Phan Thị Hoài, Đào Ánh Hương, Trần Hoàng Anh (Học viện An ninh nhân dân)
14:00 | 03/08/2020
16:00 | 26/12/2019
13:00 | 26/11/2019
17:00 | 31/08/2024
Khi AI trở thành vũ khí của cả kẻ tấn công và chuyên gia an ninh mạng, cuộc chiến trên không gian mạng sẽ diễn ra như thế nào? Liệu chúng ta có thể kiểm soát được sức mạnh của AI hay không?
16:00 | 24/07/2024
Ngày 19/7, Tòa án quận Taganskiy ở thủ đô Moscow của Nga đã tuyên bố phạt hành chính tập đoàn Google của Mỹ với mức phạt 4 triệu Ruble (tương đương khoảng hơn 45.000 USD) do từ chối gỡ thông tin sai lệch.
15:00 | 25/06/2024
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy của Đảng, Chính quyền và lực lượng vũ trang là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu; là xu thế tất yếu, khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay - hoạt động này được lực lượng cơ yếu đảm nhiệm. Nhận thức rõ điều này, thành phố Đà Nẵng đã tập trung xây dựng lực lượng cơ yếu, nâng cao vai trò là lực lượng nòng cốt, tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào mục tiêu phát triển thành phố bền vững, toàn diện.
13:00 | 06/06/2024
Các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đưa ra dự luật mới nhằm giúp chính quyền của Tổng thống Biden dễ dàng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng mã nguồn mở. Nếu dự luật này được ký thành luật sẽ cho phép Bộ Thương mại có thể cấm người Mỹ làm việc với các yếu tố nước ngoài khi phát triển các hệ thống AI gây rủi ro cho an ninh quốc gia.