Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế 4G LTE 2017, do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT đã diễn ra vào ngày 27/7/2017 tại Hà Nội.
Dự hội thảo có Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cùng hơn 400 khách mời là các chuyên gia, các nhà quản lý đại diện các đơn vị, tổ chức, công ty đang hoạt động trong thị trường viễn thông như: tập đoàn Huawei, Viettel, Finisar-Avnet, Juniper Network, SVTEC, SIGOS, Hanoi Telecom…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, sự phát triển của 4G LTE sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên kết nối của thế giới, ngay từ năm 2010, Bộ TT&TT đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm công nghệ này.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, năm 2017 được đánh giá là thời điểm triển khai mạnh mẽ mạng 4G tại Việt Nam. Điều này là cơ sở để phát triển bùng nổ các loại hình dịch vụ trên mạng 4G. Với tốc độ kết nối dữ liệu tăng, các dịch vụ Internet truyền thống nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người dùng mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng sẽ phát triển trên nền tảng IoT, thành phố thông minh… nên việc đa dạng hóa các dịch vụ trên nền tảng 4G LTE không chỉ đem lại doanh thu và lợi nhuận cho nhà mạng mà sẽ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trên môi trường này.
Tại Hội thảo, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, mạng 4G LTE tiếp tục phát triển trên toàn cầu. Tại Việt Nam, sau khi 3 nhà mạng lớn là VNPT, MobiFone và Viettel đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G, thì cuộc đua 4G chính thức bùng nổ trong năm 2017, hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà mạng nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm 4G LTE với tốc độ cao và chất lượng nhất. Việc này đã và đang góp phần nâng cao tầm quan trọng của công nghệ thông tin – truyền thông, đưa dịch vụ viễn thông - CNTT đến mọi ngõ ngách cuộc sống, đem lại cơ hội kinh doanh mới cho các nhà mạng. Đây là động lực để thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việt Nam đang là trung tâm phát triển các thiết bị đầu cuối trên toàn cầu. Qualcomm đã làm việc với các đối tác Việt Nam chuyển giao bằng sáng chế để các đối tác này có thể sản xuất thiết bị CNTT xuất ra toàn cầu.
Hiện nay, VNPT đã lắp đặt trạm 4G tại nhiều địa phương để chuẩn bị cho việc phổ biến trên toàn quốc trong năm 2017. Dự kiến, VNPT sẽ đưa khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G chính thức đi vào hoạt động, phủ sóng tất cả các khu vực trọng điểm tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Còn Viettel đã khai trương dịch vụ 4G LTE trên toàn quốc sử dụng công nghệ sử dụng công nghệ 4T4R trong tháng 4 vừa qua, đồng thời triển khai 36.000 trạm thu phát sóng, phủ sóng 95% dân số. Riêng nhà mạng MobiFone đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G LTE và dự kiến con số này là 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 - 2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự triển khai mạnh mẽ mạng 4G LTE sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng 4G nhằm thoả mãn kỳ vọng và nâng cao trải nghiệm khách hàng trong quá trình sử dụng như: các dịch vụ nội dung số, các dịch vụ IoT, dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh.… Tuy nhiên, để thực hiện các quy định quản lý của Bộ TT&TT về các dịch vụ giá trị gia tăng đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng; đồng thời đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Bên cạnh đó, các nhà mạng viễn thông phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật, các đường truyền tốc độ cao, quản trị lưu lượng hiệu quả, cải tiến các phần mềm quản lý thuê bao, phát triển các thiết bị đầu cuối tương thích công nghệ 4G và bảo mật thông tin trên nền tảng mạng 4G LTE.
Hội thảo đã cập nhật và thảo luận về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam; đồng thời mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế cũng như giới thiệu các cơ chế quản lý khoa học, các giải pháp công nghệ đột phá nhằm phát triển tối đa tiềm năng của mạng 4G LTE tại Việt Nam. Hội thảo bao gồm một phiên báo cáo chính và hai phiên hội thảo chuyên đề.
Tại phiên báo cáo chính, 6 tham luận đề cập tới chủ đề “Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE mang lại hiệu quả cho tổ chức và người tiêu dùng” đã tập trung giới thiệu những vấn đề nóng xung quanh việc triển khai 4G LTE như:
Tổng quan tình hình triển khai 4G LTE – A tại Việt Nam; Báo cáo khảo sát về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ 4G LTE tại Việt Nam; Tầm nhìn phát triển 4G LTE hướng tới 5G; Xu hướng phát triển các dịch vụ IoT trên nền tảng 4G LTE; Thiết lập tiền đề 5G; Vai trò quan trọng của IPv6 đối với sự phát triển của 4G/5G và IoT.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm tại Hội thảo
Tiếp đến là chương trình Tọa đàm với sự tham gia của Lãnh đạo Cục Tần số và Cục Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, đại diện từ tập đoàn Qualcomm, Viettel, VNNIC… về xây dựng chiến lược và các giải pháp CNTT nhằm phát triển tối đa tiềm năng của mạng 4G LTE tại Việt Nam. Nhiều đại biểu đã đặt các câu hỏi xoay quanh những chủ đề trên và đã được đại diện đến từ các hãng bảo mật và chủ trì hội thảo giải đáp thỏa đáng.
Buổi chiều diễn ra hai phiên hội thảo chuyên đề: Chuyên đề 1 với chủ đề “Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bảo mật thông tin cho mạng 4G LTE”. Các đại biểu tập trung thảo luận về các định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, các xu thế và giải pháp an ninh bảo mật tối ưu cho mạng 4G LTE cùng những chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tiễn. Một số bài tham luận nổi bật bao gồm: LTE: Nhu cầu về đường truyền tốc độ cao (góc nhìn từ chuyên gia kiểm thử chất lượng dịch vụ); Giải pháp cáp quang cho mạng 4G LTE và các mạng thế hệ mới; Doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mạng?
Chuyên đề 2 có chủ đề “Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng 4G LTE hướng tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, các đại biểu đã tập trung vào các định hướng phát triển các dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G LTE, các giải pháp IoTs cho thành phố thông minh, các giải pháp số hoá nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời cập nhật các xu hướng dịch vụ trên nền tảng 4G LTE hiện nay. Các bài tham luận tiêu biểu như: Định hướng phát triển các dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G LTE; Phát triển các dịch vụ IoT với công nghệ 4G và 5G; Giải pháp IoT cho thành phố thông minh với công nghệ 4G LTE; Hiện trạng phát triển sàn giao dịch điện tử tại Việt Nam.
Diễn ra song song với Hội thảo là Triển lãm công nghệ 4G LTE 2017 với các sản phẩm công nghệ tiên tiến đến từ các đơn vị như: FPT Telecom, Mobifone, VTV Digital, CMC Telecom, Huawei, GMO-Z.com RUNSYSTEM, PA Vietnam, Avnet, Netnam....