Những năm gần đây, không gian mạng được coi là không gian tác chiến thứ năm sau không gian tác chiến trên bộ, trên biển, trên không và trên vũ trụ. Không gian mạng đã nhanh chóng trở thành “điểm cao khống chế” trong chiến lược tranh giành giữa các nước lớn. Để giành lợi thế, Mỹ tích cực thúc đẩy phát triển sự kết hợp giữa quân sự và dân sự trong lĩnh vực không gian mạng, hòa nhập có chiều sâu, kiến tạo và hình thành ưu thế quân sự trong lĩnh vực mạng.
Mỹ đã coi năng lực về không gian mạng là chương trình được ưu tiên phát triển, công bố rất nhiều văn kiện chiến lược có liên quan, xây dựng và kiện toàn cơ cấu tổ chức, hình thành hệ thống ở cấp độ cao về phối hợp, liên kết trong và ngoài.
Những năm gần đây, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần lượt công bố những văn bản như “Chiến lược quốc gia bảo vệ không gian mạng”, “Chiến lược quốc tế không gian mạng”, “Chiến lược hành động không gian mạng của Bộ Quốc phòng”..., thúc đẩy sự phát triển thống nhất trong và ngoài quân đội về không gian mạng ở cấp độ quốc gia. Ví dụ , “Chiến lược hành động không gian mạng của Bộ Quốc phòng” yêu cầu hợp tác giữa khu vực quân sự và dân sự, thực thi chiến lược an ninh mạng thống nhất.
Mỹ còn xây dựng các văn bản chiến lược đồng bộ, thúc đẩy phát triển chung giữa trong và ngoài quân đội về năng lực liên quan đến mạng. Tháng 3/2012, chính quyền Tổng thống Obama công bố “Sáng kiến nghiên cứu phát triển dữ liệu lớn”, yêu cầu 6 ban ngành của chính phủ như Bộ Quốc phòng, Cục Kế hoạch nghiên cứu cao cấp quốc phòng… đảm nhận nhiệm vụ tương ứng, cùng phát triển kỹ thuật dữ liệu lớn của Mỹ. Tháng 7/2012, Bộ Quốc phòng công bố “Chiến lược điện toán đám mây của Bộ Quốc phòng Mỹ”, yêu cầu xóa bỏ ngăn cách giữa quân dụng và dân dụng, sử dụng công nghệ thương mại đã hoàn thiện để thúc đẩy nhanh chóng ứng dụng điện toán đám mây trong Quân đội Mỹ.
Tăng cường sự lãnh đạo về tổ chức ở cấp độ cao: Sau khi lên nắm quyền không lâu, Tổng thống Obama đã cho công bố Báo cáo “Chính sách đánh giá không gian mạng”, yêu cầu tăng cường lãnh đạo ở cấp cao đối với lĩnh vực không gian mạng. Sau đó, Nhà Trắng tuyên bố thiết lập chức danh lãnh đạo điều phối an ninh công nghệ thông tin thuộc quyền Tổng thống, phụ trách xử lý công việc có liên quan đến an ninh công nghệ thông tin của toàn nước Mỹ, bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Alexander kiêm giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến mạng quân đội Mỹ, đưa Bộ Tư lệnh mạng sáp nhập vào Bộ Tư lệnh Chiến lược.
Gần đây, Tổng thống Obama quyết định vẫn duy trì cơ chế kiêm chức đó, nghĩa là Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia đồng thời kiêm chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến mạng. Từ khi Bộ Tư lệnh tác chiến mạng được thành lập đến nay đã phối hợp chặt chẽ hoạt động với Bộ An ninh nội địa, Bộ Tư pháp, Cục Điều tra liên bang.
Thực thi quy hoạch phát triển thống nhất đồng bộ: Tháng 1/2008, Mỹ công bố “Sáng kiến tổng hợp an ninh mạng quốc gia”, đưa ra hàng loạt biện pháp tăng cường toàn diện khả năng an toàn không gian mạng của nước Mỹ, các ngành như Bộ An ninh nội địa, Bộ Quốc phòng, Ủy ban giám sát tình báo quốc gia… phụ trách thực thi từng chương trình kế hoạch có liên quan. Tháng 12/2011, Ủy ban Khoa học kỹ thuật quốc gia Mỹ công bố văn bản “Không gian mạng tin cậy: Quy hoạch chiến lược nghiên cứu phát triển an ninh mạng liên bang” nhằm thống nhất lực lượng nghiên cứu toàn quốc, nghiên cứu bước đột phá về kỹ thuật công nghệ, hình thành khả năng đối kháng mạng hoàn toàn mới. Theo quy hoạch này, Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các cơ quan nghiên cứu của các quân chủng, Cục Kế hoạch nghiên cứu cao cấp quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Bộ Năng lượng đảm nhận từng nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể.
Tăng cường nghiên cứu trang bị tác chiến mạng và mở rộng hợp tác
Kết hợp những đặc điểm như lĩnh vực công nghệ mạng phát triển nhanh chóng, trình độ liên thông giữa quân sự và dân sự cao, quân đội Mỹ đã tích cực mở rộng hợp tác với các bộ, ngành của nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để nghiên cứu phát triển trang bị tác chiến mạng.
Để liên kết đa phương mở rộng nghiên cứu phát triển trang bị và công nghệ mạng, quân đội Mỹ tích cực tham gia cùng chính phủ các dự án an ninh mạng. Năm 2004, Bộ An ninh nội địa Mỹ bắt đầu thực thi dự án “Einstein” nhằm kiểm soát và bảo vệ mạng liên thông của chính phủ liên bang. Dự án này liên quan đến Bộ An ninh nội địa, Cục Điều tra liên bang, Cơ quan An ninh quốc gia, cho phép các ngành của chính phủ Mỹ như tư pháp, hệ thống an ninh, tình báo và quốc phòng cùng chia sẻ thông tin an ninh mạng thu thập được.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng tích cực tham gia các dự án về mạng của quân đội. Việc nghiên cứu phát triển phần lớn trang bị và công nghệ mạng của quân đội Mỹ đều do doanh nghiệp tư nhân đảm nhận. Ví dụ, tháng 3/2012, hãng Northrop Grumman đã ký hợp đồng với quân đội Mỹ, cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh mạng toàn diện cho các loại trang bị tác chiến thông tin của Hải quân. Sau đó, hãng này lại được Cục Hệ thống thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ định làm nhà thầu cung cấp đảm bảo an ninh mạng cho tất cả các mạng thuộc Bộ Quốc phòng và hệ thống tình báo. Công ty IBM đã thiết lập “Hệ thống mạng điện toán đám mây” cho Không quân Mỹ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng lại cơ sở hạ tầng mạng của 9 trung tâm chỉ huy và 100 căn cứ quân sự Không quân Mỹ. Cục Kế hoạch nghiên cứu cao cấp quốc phòng cũng ký với doanh nghiệp tư nhân hợp đồng nghiên cứu phát triển nhiều lĩnh vực mạng trong đó có “Kế hoạch X”.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ thông qua thúc đẩy “thuận lợi hóa” thủ tục mua sắm để nhanh chóng sử dụng sản phẩm thương mại sẵn có vào lĩnh vực quân sự.
Dựa vào nguồn lực xã hội, tăng cường xây dựng lực lượng không gian mạng
Xây dựng lực lượng không gian mạng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành và giữ ưu thế trong tác chiến mạng. Bộ Quốc phòng Mỹ đã sử dụng hình thức tuyển người rộng rãi, tập huấn, dự trữ lực lượng để thường xuyên tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ đối kháng mạng.
Công khai tuyển nhân tài chuyên ngành trong xã hội: Năm 2002, Mỹ tuyển chọn chuyên gia và tin tặc máy tính giỏi để thành lập “lực lượng tin tặc” đầu tiên trên thế giới, đó là “Bộ Tư lệnh chức năng liên hợp tác chiến mạng”. Tháng 7/2012, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Alexander phát biểu tại Hội nghị tin tặc quốc tế DefCon tổ chức ở Las Vegas, khuyến khích các tin tặc trong dân chúng tham gia các chương trình hành động mạng quốc gia. Từ năm 2012 trở đi, Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng phương thức Quỹ hỗ trợ học bổng, đưa 145 trường trên toàn nước Mỹ vào hệ thống đào tạo “Chiến sĩ mạng”, các chuyên gia kỹ thuật trẻ đến tìm việc ở các công ty IT như Microsoft, Google cũng là những đối tượng trọng điểm được quân đội Mỹ quan tâm. Sau khi Bộ Tư lệnh tác chiến mạng quân đội Mỹ được thành lập, các quân chủng cũng thành lập tổ chức tương ứng đồng thời tuyển chọn rất nhiều nhân viên dân sự.
Liên kết trong và ngoài quân đội đào tạo nhân tài mạng: Mấy năm gần đây, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học tác chiến mạng, thông qua chương trình học về tác chiến mạng kiểu mới mở tại một số trường đại học để nâng cao năng lực của nhân viên tác chiến mạng. Tháng 5/2012, Đại học công lập North Dakota State, Viện Nghiên cứu sinh Hải quân, Đại học Đông Bắc và Đại học Tulsa được tham gia kế hoạch này. Chương trình giảng dạy bao gồm tạo ra virus máy tính, xâm nhập mạng, giải mật mã....
Tăng cường dự trữ nhân tài
Quân đội Mỹ tích cực tổ chức kế hoạch giảng dạy huấn luyện nhân tài an toàn mạng. Tháng 6/2009, Bộ Quốc phòng công bố chương trình đào tạo lãnh đạo an toàn mạng của Mỹ thế hệ kế tiếp, tổ chức các cuộc thi “Người yêu nước phòng thủ mạng”, “Giành cờ tác chiến mạng”, phát hiện và tuyển chọn lớp trẻ có năng khiếu về công nghệ mạng. Cục Kế hoạch nghiên cứu cao cấp quốc phòng cũng thường xuyên tổ chức thi nghiên cứu phát triển công nghệ mạng trong toàn xã hội, sử dụng hình thức “bao cấp rộng rãi” để đào tạo và thu hút nhân tài ưu tú. Đầu năm 2013, “Lộ trình chiến lược thông tin” của Bộ Quốc phòng được báo chí tiết lộ chỉ rõ, việc đào tạo nhân tài mạng của Quân đội Mỹ mở rộng đến cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Phối hợp diễn tập tác chiến mạng
để nâng cao khả năng tác chiến
Trong diễn tập về tác chiến mạng, quân đội Mỹ hết sức chú trọng đến sự tham gia rộng rãi của Bộ Quốc phòng, các ban, ngành Chính phủ và tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, lấy đó để huấn luyện tác chiến hiệp đồng trong không gian mạng giữa trong và ngoài quân đội, sử dụng lực lượng, nâng cao năng lực bảo vệ an toàn mạng quốc gia.
Trong và ngoài quân đội cùng xây dựng “Thao trường mạng quốc gia”: “Thao trường mạng quốc gia” do Cục Kế hoạch nghiên cứu cấp cao quốc phòng xây dựng theo yêu cầu của Quốc hội, có thể cung cấp môi trường mô phỏng tác chiến tiến công mạng như thực tế của Bộ Quốc phòng Mỹ. Dự án này chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân phụ trách xây dựng và đảm bảo kỹ thuật, phía quân đội đầu tư và ứng dụng. Toàn bộ dự án gồm 4 giai đoạn; giai đoạn 1 là thiết kế sơ bộ các nội dung cơ bản, do 7 công ty như Hệ thống BAE, công ty General, Northrop Grumman, Công ty Quốc tế ứng dụng khoa học... đảm nhận xây dựng, hiện nay đã kết thúc. Giai đoạn thứ 2 đang tiến hành, sẽ tổ chức xây dựng và bàn giao máy móc nguyên mẫu của thao trường, do Phòng thử nghiệm vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins và công ty Lockheed Martin tổ chức huấn luyện mô phỏng và phụ trách. Hiện nay, “Thao trường mạng quốc gia” đã bàn giao cho Trung tâm quản lý nguồn lực thử nghiệm của Bộ Quốc phòng phụ trách quản lý.
Trong và ngoài quân đội tham gia tích cực vào việc cùng huấn luyện, diễn tập: Mỹ rất coi trọng tổ chức diễn tập chung. Lực lượng tham gia diễn tập, ngoài quân đội ra, còn bao gồm các ban, ngành của chính phủ như Bộ An ninh nội địa cùng các doanh nghiệp tư nhân về công nghệ thông tin như Cisco, McAfee.... Ví dụ, cuộc diễn tập “Bão táp mạng” là diễn tập liên ngành tổ chức hai năm một lần của Bộ An ninh nội địa Mỹ. Mỗi lần diễn tập, Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh quốc gia đều là những thành phần chủ chốt tham gia. Vài chục doanh nghiệp như Microsoft, Google cũng tích cực góp mặt. Tháng 11/2009, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cùng công ty White Wolf tổ chức cuộc diễn tập tác chiến mạng chung mang tên “Bình minh mạng”. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cùng Bộ An ninh nội địa, Cục Điều tra liên bang và một số công ty tư nhân còn tổ chức các cuộc diễn tập như “Vệ sĩ mạng”....